Kinh nghiệm quốc tế trong mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế

(BKTO) - Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) là mục tiêu mà tất cả hệ thống BHYT của mỗi quốc gia đều đặt ra. Để thực hiện việc mở rộng độ bao phủ BHYT, các nước trong đó có Việt Nam thường áp dụng hai chính sách khá hiệu quả: Sử dụng NSNN và quy định tham gia BHYT hộ gia đình.



Sử dụng NSNN tăng tỷ lệ bao phủ BHYT

Kinh nghiệm cho thấy, tại hầu hết các nước đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, việc mở rộng BHYT ở khu vực nông thôn thường diễn ra ở giai đoạn cuối cùng. Trong quá trình mở rộng diện bao phủ của BHYT tới nhóm dân cư ở khu vực phi chính quy không thể thiếu được vai trò tài trợ của NSNN, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Tại Malaysia, tất cả dịch vụ y tế cung ứng tại vùng nông thôn được chi trả từ NSNN và người dân được sử dụng miễn phí. Đây chủ yếu là dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám bệnh ngoại trú, còn dịch vụ bệnh viện được cung cấp tại các bệnh viện phần lớn nằm tại thành thị. Tuy nhiên, dịch vụ các bệnh viện này cung cấp phần lớn cũng được NSNN bao cấp.

Để đạt mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn dân, Chính phủ Malaysia dự kiến phát triển BHYT thông qua việc thiết lập Hệ thống tài chính y tế quốc gia. NSNN sẽ cung cấp tài chính cho người nghèo, người tàn tật, công chức và người nghỉ hưu tham gia BHYT. Như vậy, khi triển khai hệ thống này, vai trò của Nhà nước trong cung cấp tài chính cho chăm sóc sức khoẻ tại Malaysia càng lớn.

Tại Trung Quốc, chương trình BHYT nông thôn mới dành cho người dân nông thôn là một ví dụ điển hình minh chứng cho sự thành công của việc mở rộng độ bao phủ BHYT. Bắt đầu từ năm 2003, tỷ lệ bao phủ BHYT vùng nông thôn chỉ đạt 13% nhưng sau 5 năm tỷ lệ này đã tăng lên là 92% và đến năm 2011 đạt 95%. Mức trợ cấp từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho BHYT tăng dần qua các năm từ 66% lên 80% và mới đây là 90% mệnh giá BHYT.
                
   

Sự hỗ trợ từ NSNN giúp tăng nhanh tỷ lệ tham gia BHYT - Ảnh: ST

   
Thái Lan nổi tiếng với “Chương trình 30 Bạt” để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Đây là chương trình chăm sóc sức khỏe cho tất cả công dân Thái Lan chưa tham gia chương trình BHYT mà chủ yếu là nông dân và người lao động tự do bằng nguồn tiền từ NSNN. Theo đó, những người tham gia chương trình này phải đăng ký với các cơ sở y tế, được cấp một thẻ BHYT miễn phí và đóng một khoản tiền là 30 Bạt (tương đương 0,75 USD) cho mỗi lần khám chữa bệnh ngoại trú hoặc điều trị nội trú; thuốc kê đơn được cấp miễn phí.

Theo chương trình chăm sóc sức khỏe này, tỷ lệ người dân không có BHYT ở Thái Lan đã giảm từ mức 30% năm 2000 xuống còn 5% năm 2003.

Quyết định dùng NSNN hỗ trợ để chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng còn lại trong dân số ở Thái Lan hay mở rộng BHYT cho khu vực nông thôn ở Trung Quốc đều được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia này đang trong thời điểm thu nhập bình quân đầu người trong khoảng 2.000 USD. Điều này cho thấy, vai trò quan trọng của NSNN trong việc mở rộng độ bao phủ BHYT toàn dân trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển ở mức thấp và trung bình thấp. Các tài liệu quốc tế cũng đề cập tới một vấn đề là việc mở rộng BHYT thường gắn liền với sự phát triển của kinh tế. Thành công của Hàn Quốc trong việc mở rộng nhanh chóng độ bao phủ toàn dân bao gồm cả nông dân và tự doanh chủ yếu có được nhờ sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao.

Tham gia BHYT bắt buộc theo hộ gia đình

Trong nỗ lực thực hiện BHYT toàn dân, nhiều nước cũng đã ban hành Luật quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình thay vì cá nhân.

Tại Mông Cổ, Luật BHYT được ban hành từ năm 1994 với những chính sách quan trọng: chuyển đơn vị tham gia BHYT từ cá nhân sang hộ gia đình; các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế cho BHYT phải được công nhận chất lượng; thực hiện thanh toán theo định suất đối với bệnh viện. Mông Cổ rất chú trọng đến việc nâng cao hệ thống quản lý thông tin và năng lực của cơ quan BHYT trong việc đạt các thỏa thuận với các cơ sở khám, chữa bệnh và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.

Tại Đài Loan, BHYT được triển khai thực hiện từ năm 1995 theo hình thức bắt buộc với tất cả mọi người dân. Tỷ lệ bao phủ BHYT hiện nay là 99% dân số bởi Đài Loan áp dụng chính sách người lao động phải đóng BHYT cho người ăn theo.

Nhật Bản triển khai BHYT bắt buộc áp dụng đầu tiên đối với khu vực lao động chính thức vào năm 1927. Đến năm 1938, chương trình BHYT cộng đồng dành cho các đối tượng lao động phi chính thức được khởi động.Theo đó, những người không phải là lao động hưởng lương trong các DN bắt buộc phải tham gia BHYT tại các Quỹ BHYT trên địa bàn cư trú. Năm 1943, Nhật Bản thực hiện chương trình BHYT cho thân nhân người lao động. Quy định bắt buộc đóng góp tham gia BHYT được Nhật Bản thực hiện nghiêm ngặt thông qua kiểm soát thu nhập cá nhân hằng năm của các đối tượng không thuộc khu vực chính thức. Bằng các chính sách này, Nhật Bản đã đạt bao phủ BHYT bắt buộc năm 1961.

Tại Hàn Quốc, Luật BHYT được ban hành năm 1963. Chính phủ nước này xác định mục tiêu BHYT toàn dân trong bối cảnh chủ yếu là các mô hình BHYT tự nguyện cộng đồng. Đến năm 1977, Hàn Quốc áp dụng quy định tham gia BHYT bắt buộc đối với các DN. Quy định tham gia bắt buộc được Chính phủ Hàn Quốc mở rộng dần tới các đối tượng trong xã hội, đến năm 1989, Hàn Quốc tuyên bố đạt mục tiêu BHYT toàn dân.

Để đạt BHYT toàn dân nhất thiết phải có quy định bắt buộc tham gia. Đây là kết luận được đưa ra trong nhiều phân tích quốc tế về kinh nghiệm thực hiện BHYT. Theo phân tích của các chuyên gia, trong số các yếu tố làm hạn chế việc mở rộng bao phủ BHYT thì việc không triển khai BHYT cho thân nhân người lao động là một yếu tố đầu tiên được nêu ra. Do đó, lựa chọn hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ đẩy nhanh việc mở rộng độ bao phủ, tăng mức độ chia sẻ rủi ro giữa các thành viên tham gia BHYT.

THANH XUYÊN
Cùng chuyên mục
Kinh nghiệm quốc tế trong mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế