Kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đạt “chất lượng vàng”

Cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) và báo cáo quyết toán NSĐP năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk do KTNN khu vực XII thực hiện là một trong hai cuộc kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước tặng Bằng khen đột xuất, nhận danh hiệu “chất lượng vàng” năm 2022 vừa qua. Bên cạnh những kết quả, phát hiện nổi bật, cuộc kiểm toán cũng để lại những bài học kinh nghiệm đáng chú ý về quá trình chuẩn bị, thực hiện cuộc kiểm toán.

3592-ct-6.jpg
Các kiểm toán viên KTNN khu vực XII tham gia kiểm toán. Ảnh: Văn Giám

Những kết quả, phát hiện nổi bật

Theo lãnh đạo KTNN khu vực XII, bên cạnh những ghi nhận tích cực trong công tác quản lý, điều hành địa phương đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều sai sót và kiến nghị xử lý tài chính hơn 729 tỷ đồng - mức kiến nghị xử lý tài chính tương đối lớn trong một cuộc kiểm toán NSĐP tại tỉnh còn nhiều khó khăn như Đắk Lắk.

Đáng chú ý, qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã có nhiều phát hiện nổi bật, như: Điạ phương giao chỉ tiêu hợp đồng cho các Hội đặc thù không phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ, cũng như chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đồng thời, tỉnh giao dự toán cho 04 tổ chức không phải Hội đặc thù theo quy định tại Thông tư số 71/2020/TT-BTC về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021-2023…

Tỉnh Đắk Lắk còn giao dự toán quỹ lương của lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP cho đơn vị sự nghiệp công lập là chưa đảm bảo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, với số tiền 38,69 tỷ đồng.

Đặc biệt, qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán phát hiện còn một số khoản tạm ứng ngân sách cấp trên đã quá thời gian quy định nhưng chưa bố trí hoàn ứng số tiền hơn 188,16 tỷ đồng. Các huyện thuộc tỉnh không giao dự toán mà thực hiện tạm ứng đối với các nhiệm vụ chi thường xuyên không đúng quy định của Luật NSNN. Thậm chí, kinh phí ứng trước nhiều năm đã quá hạn nhưng ngân sách các cấp của tỉnh chưa bố trí vốn để thu hồi 340 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong chi đầu tư phát triển, tỉnh bố trí vốn nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư công đã được xác định rõ nguồn vốn, thời gian cấp vốn từ những năm trước là chưa phù hợp với quy định tại Luật NSNN số tiền 69 tỷ đồng. HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư của 06 dự án khi chưa đảm bảo khả năng cân đối vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công 2019 số tiền 896 tỷ đồng... 

Từ những bất cập được phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiến nghị xử lý tài chính 729,5 tỷ đồng, gồm: Tăng thu NSNN 3 tỷ đồng; thu hồi và giảm chi NSNN 716,3 tỷ đồng; giảm lỗ 10,1 tỷ đồng; xử lý khác 13,7 tỷ đồng và nhiều kiến nghị sửa đổi quy định trong quản lý quan trọng khác.

Đề cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng thực hiện nhiệm vụ

Theo KTNN khu vực XII, đây là một cuộc kiểm toán thực hiện lồng ghép kiểm toán NSĐP với kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP có độ khó cao do liên quan đến nhiều văn bản chế độ, chính sách và phạm vi, đối tượng rộng. Nhờ tích cực tiếp thu kinh nghiệm, làm tốt công tác chuẩn bị, Đoàn kiểm toán nêu cao tinh thần trách nhiệm nên đơn vị đã hoàn thành cuộc kiểm toán với nhiều kết quả quan trọng, khắc phục tốt các khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình kiểm toán.

Nêu cụ thể, Trưởng phòng Tổng hợp Nguyễn Hữu Trí cho biết, đây là cuộc kiểm toán được đơn vị đăng ký xét chất lượng vàng ngay từ đầu năm. Do đó, lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm chỉ đạo Đoàn kiểm toán, các kiểm toán viên tập trung làm tốt nhiệm vụ kiểm toán từ khâu chuẩn bị, chú trọng rà soát, đánh giá từng nhiệm vụ, dù là nhỏ nhất. Trong đó, Đoàn kiểm toán đã chú trọng đến khâu khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán, đây chính là cơ sở để Đoàn đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp, xác định đúng nội dung kiểm toán trọng tâm - ông Trí cho biết và nhấn mạnh, tại cuộc kiểm toán này, Đoàn kiểm toán đã vận dụng tốt phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu - phương pháp mới và khó đối với toàn Ngành.

thanh-tra_20221205143818.jpg
Kinh nghiệm cho thấy, để đạt chất lượng cao, cuộc kiểm toán cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát Kế hoạch, nội dung kiểm toán trọng tâm và tăng cường hoạt động giám sát trong suốt quá trình kiểm toán. Ảnh: sav.gov.vn

Theo lãnh đạo Đoàn kiểm toán, cuộc kiểm toán đã bám sát hướng dẫn của Ngành về mục tiêu, nội dung trọng tâm, trọng yếu kiểm toán, tuân thủ phạm vi theo Kế hoạch kiểm toán được phê duyệt. Đơn cử như khi thực hiện kiểm toán NSĐP, Đoàn kiểm toán đã dành thời gian kiểm toán việc lập, phân bổ và giao dự toán. Đây là cơ sở xác định quá trình tổ chức thực hiện của địa phương có tuân thủ hay không tuân thủ dự toán được HĐND tỉnh giao và thực tế với cách tiếp cận triển khai kiểm toán này đã mang lại những kết quả, phát hiện đáng chú ý của Đoàn kiểm toán như vừa qua.

Tương tự, khi đối chiếu với báo cáo quyết toán chi ngân sách, Đoàn kiểm toán đặc biệt lưu ý tổng số chi NSĐP với tổng số chi trong báo cáo chi ngân sách tại kho bạc. Các kiểm toán viên đã bám sát nội dung này và yêu cầu đơn vị giải trình rõ chênh lệch tổng số liệu các cấp ngân sách…

Ngoài sự tập trung, trách nhiệm cao trong quá trình thực hiện kiểm toán, Đoàn kiểm toán, các tổ kiểm toán đã thực hiện gửi báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, tiến độ và kết quả kiểm toán theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán.

Theo lãnh đạo KTNN khu vực XII, cùng với trách nhiệm giám sát tại chỗ, báo cáo định kỳ của Đoàn kiểm toán, đơn vị đã thành lập Tổ Kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với cuộc kiểm toán này và theo sát hoạt động kiểm toán của Đoàn ngay từ khi bắt đầu kiểm toán. Kết quả kiểm soát chất lượng được lập thành báo cáo định kỳ 10 ngày trong suốt quá trình kiểm toán để cung cấp thông tin kịp thời cho Kiểm toán trưởng nắm rõ, chỉ đạo. Bên cạnh đó, cuộc kiểm toán đã được sự giám sát, hỗ trợ của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán trong suốt quá trình chuẩn bị, đến khi lập dự thảo báo cáo kiểm toán. “Thông qua việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán đã giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của kiểm toán viên; cũng như đảm bảo mọi nghi vấn, thiếu sót trong quá trình kiểm toán được làm rõ, đầy đủ bằng chứng trước khi đưa vào báo cáo kiểm toán” - lãnh đạo đơn vị cho biết.

Đánh giá cao chất lượng của cuộc kiểm toán này cả trên phương diện kết quả kiểm toán, lẫn cách thức tổ chức thực hiện, lãnh đạo Phòng NSĐP (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) đề nghị, đơn vị kiểm toán cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán, các kết quả, phát hiện và kiến nghị kiểm toán nổi bật để lan tỏa trong toàn Ngành, tạo thêm những thông tin tham khảo hữu ích cho các đoàn kiểm toán khi thực hiện kiểm toán lĩnh vực NSĐP.

Cùng chuyên mục
Kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đạt “chất lượng vàng”