Xác định rõ trọng yếu kiểm toán trong từng lĩnh vực
Đối với hoạt động kiểm toán, việc xác định đúng trọng yếu kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng, do đó đại diện Vụ Tổng hợp cho biết, với tinh thần chủ động, tích cực ngay từ sớm, KTNN đã ban hành hướng dẫn trọng yếu, nội dung kiểm toán chủ yếu trong từng lĩnh vực kiểm toán để các đơn vị theo đó thực hiện.
Dẫn ví dụ, Vụ Tổng hợp cho biết, đối với kiểm toán thu NSNN tập trung vào một số nội dung trọng yếu: Công tác lập, giao, thực hiện dự toán thu NSNN; công tác quản lý thu thuế, thu phí, lệ phí theo quy định; đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý, thu hồi nợ đọng thuế của cơ quan Thuế, Hải quan, việc thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; phân loại nợ đọng thuế, trong đó lưu ý đối với nhóm nợ chờ điều chỉnh; công tác chống thất thu trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản, các giao dịch thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới; việc quản lý thu tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển...
Đối với kiểm toán chi thường xuyên, các nội dung trọng yếu được xác định bao gồm: Việc lập, phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên theo quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn, Thông tư số 61/2021/TT-BTC về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2022, Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024 và khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 122/2021/TT-BTC về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022; đánh giá việc quản lý và sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu; việc chấp hành các quy định về điều chỉnh dự toán chi đã giao cho các đơn vị sử dụng NSNN…
Một trong những nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm năm nay, đó là KTNN sẽ tập trung kiểm toán các chương trình, chính sách có liên quan đến đại dịch Covid-19 để phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo đơn vị kiểm toán đặc biệt bám sát các nội dung trọng yếu được hướng dẫn khi kiểm toán các nội dung này.
Theo đó, KTNN xác định nhiều nội dung trọng yếu liên quan đến Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khi thực hiện kiểm toán trong từng lĩnh vực. Đơn cử, đối với kiểm toán thu NSNN, các trọng yếu kiểm toán được xác định là: đánh giá việc triển khai và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.
Đối với kiểm toán chi thường xuyên, các nội dung trọng yếu bao gồm, việc triển khai, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
“Tương tự, đối với kiểm toán chi đầu tư, các đơn vị kiểm toán cần tập trung vào các trọng yếu khi kiểm toán nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15…” - lãnh đạo Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Vụ Tổng hợp cho biết.
Bám sát hướng dẫn, linh hoạt áp dụng vào thực tiễn kiểm toán
Với mục tiêu đưa ra định hướng, hướng dẫn chung, song lãnh đạo KTNN cũng lưu ý các đơn vị kiểm toán cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và vận dụng linh hoạt quy định, hướng dẫn của Ngành vào thực tiễn hoạt động kiểm toán.
“Theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, trong quá trình xây dựng Kế hoạch kiểm toán, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo đoàn kiểm toán nghiên cứu, lựa chọn kiểm toán đối với các nội dung kiểm toán thường xảy ra sai phạm và một số đặc thù của năm 2022” - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết; đồng thời nhấn mạnh những định hướng kiểm toán của năm đã thể hiện những đổi mới phù hợp với bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ và quyết tâm nâng cao vai trò phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN.
Một trong những nội dung được nhấn mạnh và đưa vào trọng yếu kiểm toán năm nay, đó là việc cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài…
Là đơn vị phụ trách kiểm toán lĩnh vực vực có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế: tài chính, ngân hàng, đại diện KTNN chuyên ngành VII cho biết, ý thức được điều này, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị trong ngành tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành hướng dẫn xác định trọng yếu khi thực hiện kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nhiều nhiệm vụ kiểm toán có gắn với việc đánh giá chính sách liên quan đến đại dịch Covid-19 vừa qua. Theo đó, khi tiếp cận kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng, đơn vị sẽ tập trung đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đặc biệt là phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối của các ngân hàng thương mại, trong đó tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
Từ góc nhìn của đơn vị gắn bó với kiểm toán ngân sách địa phương, lãnh đạo KTNN khu vực IX cho biết, những hướng dẫn của KTNN đối với hoạt động thu NSNN, chi thường xuyên… tại địa phương là vô cùng cần thiết, giúp cho các đơn vị kiểm toán có định hướng, hướng dẫn để triển khai thực hiện thống nhất, nhất là trong bối cảnh nhiệm vụ kiểm toán năm nay gắn nhiều với nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ nền kinh tế, xã hội trong dịch bệnh. “Đơn vị sẽ bám sát hướng dẫn của Ngành, cũng như vận dụng sáng tạo vào thực tiễn địa phương” - lãnh đạo đơn vị cho biết; đồng thời khẳng định việc duy trì chế độ báo cáo kịp thời với lãnh đạo KTNN trước các vấn đề phát sinh là vô cùng cần thiết để đảm bảo hiệu quả kiểm toán, không bỏ lọt các sai sót.
Đánh giá cao việc ban hành hướng dẫn trọng yếu kiểm toán của KTNN, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cũng cho rằng, trong bối cảnh nhiệm vụ kiểm toán ngày càng có sự thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn của công chúng, việc ban hành kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ sẽ giúp cho hoạt động kiểm toán được thông suốt, hạn chế tối đa vướng mắc do nội dung kiểm toán mới, khó, có tính thời sự như đánh giá chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp trong dịch bệnh.
“Những hướng dẫn về trọng yếu, nội dung kiểm toán trọng tâm của KTNN đã thể hiện rõ yêu cầu hướng đến đối với kết quả kiểm toán, cũng như bám sát các nội dung có tính thời sự, mang hơi thở của cuộc sống và phục vụ chương trình nghị sự, quản lý điều hành của Quốc hội, Chính phủ” - PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh (Viện Kế toán - Kiểm toán) nói và cho biết thêm rằng, điều quan trọng là các đơn vị kiểm toán phải căn cứ vào thực tiễn để vận dụng phù hợp, hiệu quả quy định, từ đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.