Kinh phí phòng chống dịch: Nhiều vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm

(BKTO) - Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

thuy-anh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát. Ảnh: VPQH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 29/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện chủ động, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách.

Đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khoảng 230 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách nhà nước (NSNN) là trên 186,4 nghìn tỷ đồng và tài trợ, viện trợ khoảng 43,6 nghìn tỷ; trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 và đã tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được sử dụng đến 31/12/2022 hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch là trên 87.000 tỷ đồng; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch (quân đội, công an, y tế...) là 4.487 tỷ đồng.

Kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm là 2.593 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm là 5.291 tỷ đồng…

Bên cạnh những kết quả tích cực, một trong những tồn tại được Đoàn Giám sát việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 từ NSNN trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Sau khi kiểm soát được dịch cũng chưa làm tốt việc giải thể, bàn giao, quản lý tài sản, thanh toán, quyết toán liên quan đến các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị Covid-19.

Đặc biệt, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch, đặc biệt trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19; nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.

Cùng với chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp đã tiến hành kiểm toán, kiểm tra, thanh tra về công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống Covid-19. Qua đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế và kiến nghị các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn lực.

Vì vậy, Đoàn giám sát kiến nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị trong Nghị quyết giám sát của Quốc hội cần quy định thời điểm phải hoàn thành một số nhiệm vụ, giải pháp để có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện chính sách về huy động, quản lý sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đồng thời, giao Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về các nhiệm vụ liên quan đến công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ trong công an nhân dân
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Chính phủ đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an theo lộ trình, tính từ ngày 01/01/2021.
  • Giải quyết kiến nghị của cử tri: Không chỉ là trách nhiệm!
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cần rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm, thực sự tháo gỡ được vướng mắc mà cử tri mong chờ.
  • Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Số lượng dự án luật, pháp lệnh phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm còn lớn; kỷ luật, kỷ cương lập pháp chưa nghiêm...
  • Lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chưa sát thực tế; quản lý, sử dụng NSNN còn một số hạn chế; số chi chuyển nguồn lớn làm lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
  • Nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém và dự báo còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ xác định tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Kinh phí phòng chống dịch: Nhiều vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm