Giải quyết kiến nghị của cử tri: Không chỉ là trách nhiệm!

(BKTO) - Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cần rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm, thực sự tháo gỡ được vướng mắc mà cử tri mong chờ.

an.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Quan tâm đến chất lượng trả lời kiến nghị

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận tại hội trường đối với nội dung này. Điều này một lần nữa cho thấy sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, giúp Quốc hội ngày càng gắn bó hơn, mật thiết với cử tri và nhân dân, luôn đồng hành cùng nhân dân. Đồng thời, góp phần đánh giá toàn diện, đầy đủ về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương đã có nhiều nỗ lực, chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu khi thực hiện công tác quản lý, điều hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn vấn đề chất lượng trả lời kiến nghị cũng như việc giám sát thực hiện các kiến nghị của cử tri. Trong khi đó, giải quyết kiến nghị của cử tri không chỉ đơn thuần là câu chuyện trách nhiệm mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, theo số liệu báo cáo, có đến hơn 80% trả lời cử tri là giải trình và cung cấp thông tin. Đại biểu nhận xét, giải trình và cung cấp thông tin có thể làm rõ được nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Tuy nhiên, ở góc độ khác cho thấy các quy định pháp luật còn thiếu đồng bộ và nhiều vấn đề cử tri phải hỏi.

“Cần có kênh thông tin để xem cử tri và nhân dân có đồng tình với giải trình và cung cấp thông tin đó không; việc giải trình đó có giải quyết được vấn đề người dân quan tâm hay không… tránh việc cử tri hỏi đi hỏi lại và các cơ quan tiếp tục giải trình, cung cấp thông tin” - đại biểu đề xuất.

Đại biểu cũng đề nghị, cần quan tâm đến chất lượng trả lời các kiến nghị. Bởi hiện nay có tình trạng các kiến nghị của cử tri cũng như kiến nghị của các địa phương gửi về các Bộ, ngành, Chính phủ thì còn trả lời theo hướng “theo quy trình” hoặc “theo quy định của pháp luật”. Như vậy rất khó thỏa mãn ý kiến của cử tri cũng như đáp ứng vai trò quản lý nhà nước.

“Cần phải có tiêu chí đánh giá trả lời kiến nghị của cử tri, địa phương làm sao phải hiệu quả. Trả lời phải để xử lý, giải quyết được công việc, chứ không phải trả lời để biết…” - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về trả lời kiến nghị của cử tri vừa công khai, minh bạch vừa tránh việc trùng lặp, đồng thời giúp cử tri và người dân nắm được các kiến nghị được xử lý đến đâu, thể hiện hiệu quả giám sát của Quốc hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn Gia Lai) nhấn mạnh, việc giải quyết kiến nghị của cử tri không chỉ đơn thuần là câu chuyện trách nhiệm của Quốc hội, trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước hay câu chuyện lòng tin của người dân mà thực tế giải quyết tốt kiến nghị của cử tri còn trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, từng địa bàn, từng cụm dân cư và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng ngày trực tiếp.

“Phải nói thẳng thắn rằng cử tri chưa thật hài lòng về trả lời của một số Bộ, ngành. Câu chuyện không chỉ là chung chung, không làm được, bà con tiếp tục vướng mắc những thứ rất đơn giản trong đời sống hằng ngày cho đến các kế hoạch, chương trình phát triển của từng xã, từng địa phương đều mắc và cán bộ, chính quyền địa phương không biết giải quyết thế nào” - đại biểu chỉ rõ và đề nghị các các Bộ, ngành cần đặt mình vào địa vị của người dân để trả lời, giải quyết những kiến nghị thấu đáo và thực sự gỡ được vướng mắc. Nếu không, dù đã tích cực rất nhiều, tỷ lệ trả lời đúng hạn, tỷ lệ trả lời rất cao, nhưng để làm được cũng thì rất khó khăn.
Tăng cường giám sát, lấp “khoảng trống” pháp lý

Để công tác tiếp nhận, phân loại và giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, của Quốc hội và các Bộ, ngành thật sự đạt chất lượng, hiệu quả cũng như đáp ứng tốt hơn mong mỏi của cử tri và nhân dân, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát đến cùng, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Không chỉ giám sát về số lượng mà cần đi sâu giám sát chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời đã đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân, đảm bảo đúng quy định của pháp luật hay chưa? Đặc biệt, có những nội dung trả lời thể hiện lời hứa của các vị trưởng ngành thì cần phải theo đến cùng để kịp thời thông tin đến cử tri và nhân dân.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cần phải làm thường xuyên và mở rộng, không chỉ giám sát việc giải quyết một số kiến nghị mà cần giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết các kiến nghị của cử tri, đặc biệt là giám sát việc phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong giải quyết kiến nghị cử tri.

nam.jpg
Đại biểu Lê Minh Nam phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Chỉ ra thực tế nhiều kiến nghị, đề xuất của cử tri liên quan đến tồn tại, hạn chế, vướng mắc, những khoảng trống pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) đề xuất cần tập trung quyết liệt giải quyết vấn đề này, qua đó tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và cũng giúp giảm bớt khối lượng giải quyết kiến nghị, khiếu nại của cử tri.

Những tồn tại, hạn chế, vướng mắc đã được nêu ở các báo cáo của Thanh tra, Kiểm toán nhà nước đều là những vướng mắc có thực trong thực tiễn áp dụng. Nếu không sửa đổi kịp thời thì sẽ dẫn đến tình huống không thể thực hiện được các nội dung đã được điều chỉnh bởi các quy định này cần phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc nếu tiếp tục thực hiện thì lại tiếp tục vi phạm hoặc là không đạt được mục tiêu.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam

Theo đó, cần xác định các khoảng trống pháp lý tại các văn bản hiện hành để xây dựng, bổ sung các quy định pháp luật; tập trung rà soát để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; khắc phục tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, đại biểu Lê Minh Nam chỉ rõ, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước tại Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 vừa trình Quốc hội thì việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong năm 2022 về vấn đề sửa đổi, bổ sung các văn bản đã được phát hiện qua kiểm toán mới chỉ đạt có 50/198 văn bản. Đây là một tỷ lệ rất thấp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần khẩn trương thực hiện nghiêm các kiến nghị, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý do cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung.

Đề nghị Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội thành lập các đoàn giám sát để giám sát lại các vấn đề trả lời của Chính phủ, các Bộ, ngành, đảm bảo những trả lời của cử tri thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết căn cơ những vướng mắc, khó khăn từ cơ sở, hạn chế tối đa đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tạo niềm tin của cử tri và nhân dân với Quốc hội. Đây cũng là điều kiện để các đại biểu Quốc hội thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc

Cùng chuyên mục
  • Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Số lượng dự án luật, pháp lệnh phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm còn lớn; kỷ luật, kỷ cương lập pháp chưa nghiêm...
  • Lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chưa sát thực tế; quản lý, sử dụng NSNN còn một số hạn chế; số chi chuyển nguồn lớn làm lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
  • Nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém và dự báo còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ xác định tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
  • Quan tâm hơn y tế cơ sở trong phân bổ dự toán chi khám chữa bệnh BHYT
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc làm việc với Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, đại diện UBND TP. Hà Nội, TP. HCM… về hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Nghị định), chiều 16/5.
  • Thể chế hóa quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 11/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).
Giải quyết kiến nghị của cử tri: Không chỉ là trách nhiệm!