Kinh tế Nhật Bản đối mặt nhiều thách thức

(BKTO) - Ngày 21/2, Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên hạ mức đánh giá về sức khỏe nền kinh tế trong bối cảnh nước này trở nên thận trọng hơn về sức tiêu dùng và sản xuất tư nhân.

Tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh kém khởi sắc

nhat-ban-lam-phat-reuters.jpg
Tiêu dùng cá nhân - chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế ở Nhật Bản đang có dấu hiệu chững lại - Ảnh minh họa

Những thông tin được tiết lộ gần đây cho thấy Nhật Bản đã rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023, dẫn đến chính phủ nước này hạ thấp quan điểm về tiêu dùng tư nhân lần đầu tiên sau hai năm.

Điều này cũng cho thấy sự đóng góp của lĩnh vực dịch vụ, vốn bị tích tụ trong giai đoạn dịch COVID-19, đã giảm dần.

Trước đây, dịch vụ vốn được coi là lĩnh vực hỗ trợ nền kinh tế dù cho chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Báo cáo kinh tế hàng tháng của Văn phòng Nội các cũng đưa ra lập trường thận trọng về hoạt động sản xuất sau hàng loạt vụ bê bối về kiểm tra an toàn từ các công ty thuộc tập đoàn Toyota Motor Corp., Daihatsu Motor Co. và Toyota Industries Corp.

Báo cáo cho biết nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi với tốc độ vừa phải, dù gần đây nó có vẻ đang chững lại. Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản đã giảm 0,4% trong quý từ tháng 10-12/2023.

Trên cơ sở danh nghĩa, Nhật Bản đã nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cho Đức vào năm 2023 và hiện đứng ở vị trí thứ tư.

Báo cáo kinh tế ngày 21/2 kêu gọi cảnh giác trước tác động của việc tăng lãi suất mạnh mẽ ở nước ngoài, sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc và căng thẳng ở Trung Đông. Ngoài ra, cần chú ý đầy đủ đến tác động kinh tế của trận động đất ở bán đảo Noto hồi đầu năm 2024.

Báo cáo cho hay sự gia tăng gần đây của tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh dường như đang chững lại.

Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh giá hàng hóa hàng ngày tăng cao trong khi nhiệt độ ấm áp làm hạn chế nhu cầu về quần áo mùa Đông.

Lạm phát ở Nhật Bản đã giảm xuống trong những tháng gần đây, song các hộ gia đình vẫn chưa cảm nhận được mức tăng lương khi tính đến lạm phát.

Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ kết thúc chính sách lãi suất âm vào mùa Xuân này sau khi xác nhận tốc độ tăng lương trong vòng đàm phán mới nhất giữa liên đoàn lao động và ban quản lý.

BoJ nhấn mạnh tới tăng trưởng tiền lương vì ngân hàng này hướng tới mục tiêu đạt được lạm phát ổn định nhờ nhu cầu trong nước. Báo cáo của chính phủ cho biết giá tiêu dùng gần đây tăng ở mức vừa phải.

Nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức

nhat_ban-covid-afp.jpg
Nhật Bản đã đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - Ảnh minh họa

Cũng theo số liệu thống kê được Chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2023 chỉ đạt 4.210 tỷ USD, thấp hơn so với mức 4.460 tỷ USD của Đức, khiến Nhật Bản chính thức đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới “vào tay” quốc gia Tây Âu.

Đáng chú ý, GDP quý 4/2023 của Nhật Bản cũng giảm 0,4%. Con số này không chỉ thấp hơn dự kiến mà còn xác lập kỷ lục hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, khiến nền kinh tế Xứ sở Mặt Trời mọc rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Sự thay đổi này diễn ra sau hơn một thập kỷ Nhật Bản nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc. Theo các nhà phân tích Nhật Bản, có hai lý do chính khiến kinh tế nước này rớt hạng.

Đầu tiên là do đồng yen liên tục mất giá trong năm 2023, làm xói mòn lợi nhuận xuất khẩu. Đồng tiền này đã giảm đến 20% giá trị so với đồng USD trong hai năm 2022 và 2023, trong khi đồng euro lại tăng 3,7%, giúp GDP của Đức vượt Nhật Bản.

Thứ hai, Nhật Bản tiếp tục vật lộn với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp và lạm phát tăng cao, khiến tiêu dùng của người dân, vốn đã suy yếu do tỷ lệ người già trên 65 tuổi chiếm hơn 29% dân số, lại tiếp tục sụt giảm.

Tình trạng đình trệ của Nhật Bản đã kéo dài hơn 30 năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Ấn Độ sau hai năm nữa sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và điều này cũng đồng nghĩa với việc kinh tế Nhật Bản sẽ rơi xuống vị trí thứ 5.

Trong quá khứ, Nhật Bản đã từ vị trí có GDP danh nghĩa bình quân đầu người cao nhất trong Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển hàng đầu Thế giới (G7) vào năm 2000 xuống vị trí cuối cùng trong danh sách vào năm 2022.

Theo tờ Nikkei, đánh giá về tình trạng này cho thấy rõ rằng Nhật Bản đã gặp thất bại trong việc nâng cao tiềm năng tăng trưởng, một tình trạng khó khăn được cho là xuất phát từ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại đất nước này. Điều này cần được coi là một lời cảnh tỉnh, khuyến khích việc thúc đẩy những cải cách kinh tế đã bị lãng quên ở Nhật Bản.

Trong khi đó, Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Yoshitaka Shindo của Nhật Bản đã chia sẻ với các phóng viên rằng việc Đức vượt qua Nhật Bản về quy mô kinh tế là một tín hiệu rõ ràng cho thấy cần thúc đẩy cải cách cơ cấu. Cải cách này có thể bao gồm việc thu hút nhiều phụ nữ hơn tham gia làm việc toàn thời gian và giảm bớt các rào cản đối với đầu tư từ nước ngoài.

Bộ trưởng Shindo cũng cam kết: "Nhật Bản sẽ triển khai tất cả các chính sách hỗ trợ tăng lương" nhằm khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh vào động lực từ nhu cầu trong nước.

Cùng chuyên mục
Kinh tế Nhật Bản đối mặt nhiều thách thức