Kinh tế nhiều quốc gia đối mặt thách thức do dịch Covid-19

(BKTO)- Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục phải đối mặt với những hậu quả nặng nề từ dịch COVID-19.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

Mexico và "ngày thứ 2 đen tối"

Nền kinh tế Mexico đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong vòng 10 năm qua, trong bối cảnh tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm đồng nội tệ peso mất giá, cũng như khiến giá dầu giảm mạnh và đẩy chỉ số chứng khoán xuống mức thấp kỷ lục.

Tổng Giám đốc Viện Phát triển Công nghiệp và Tăng trưởng kinh tế Mexico, ông José Luis de la Cruz đánh giá “điều tồi tệ nhất vẫn đang ở phía trước” và kêu gọi chính phủ cần áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để vực dậy nền kinh tế.

Dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh tới nền kinh tế Mexico bởi sự sụt giảm toàn cầu trong các lĩnh vực chế tạo. Mexico là một trong những nhà xuất khẩu lớn trên thế giới, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi giá trị, sản xuất và cung ứng toàn cầu của Trung Quốc và Mỹ.

Bên cạnh những vấn đề nội tại của ngành sản xuất quốc gia, tình hình hiện tại cũng khá khó khăn bởi Mexico nhập khẩu tới 80 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, bao gồm các nguyên liệu đầu vào trung gian, máy móc và hàng tiêu dùng. Với tác động của dịch bệnh, các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn để có thể cập cảng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Ngày hôm qua - 9/3 được ví như ngày “thứ Hai đen tối” khi Chỉ số chứng khoán của Mexico (BMV) giảm 6,4%, xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua. Cùng với đó, giá dầu tụt xuống còn hơn 30 USD/thùng, thấp xa so với mức 49 USD/thùng trong dự toán ngân sách năm nay. Ngoài ra, chỉ trong 15 ngày gần đây, động nội tệ peso đã mất 10% giá so với đồng USD (theo tỷ giá liên ngân hàng hiện 20,98 peso đổi 1 USD).

Trong khi nhiều yếu tố bất lợi với nền kinh tế đã hiện hữu và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 7,0%. Đây là một trong những động thái được giới phân tích đánh giá là thiếu kịp thời.

Bất chấp những tác động trên, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador tin tưởng nền kinh tế Mexico sẽ vượt qua khó khăn nhờ hệ thống tài chính công “vững mạnh," dự trữ ngoại tệ ở mức cao (trên 180 tỷ USD) và ngân sách khỏe mạnh.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mexico năm 2020 từ 1,3% xuống còn 1,0%. Theo thống kê, kinh tế Mexico đã giảm 0,1% trong năm 2019 và đây là lần suy giảm đầu tiên trong 10 năm qua.

Italia đối mặt khủng hoảng kinh tế

Chứng khoán Italy đã giảm 11,2% trong phiên 9/3 do lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giới phân tích nhận định đây có thể chỉ là sự khởi đầu của một xu hướng.

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Italy, khiến nhiều văn phòng và nhà máy phải đóng cửa, trong đó có nhiều nhà máy sản xuất hàng hóa xa xỉ cao cấp, vốn được coi là một trong những hạng mục kinh tế quan trọng nhất của nước này.

Các quan chức lo ngại thị phần xa xỉ phẩm mà các công ty Italy đang nắm giữ sẽ rơi vào tay các công ty nước ngoài. Thêm vào đó, lượng khách du lịch đã giảm đáng kể kể từ dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng 5 tuần trước đó.

Thị trường trong nước cũng đã suy yếu, khi người dân Italy không ra khỏi nhà và chi tiêu ít hơn do lo ngại dịch bệnh. Các nhà hàng, rạp chiếu phim, quán bar và những địa điểm khác đang đóng cửa.

Một nghị định của chính phủ cho phép những người đang "ôm" các khoản nợ thế chấp được hoãn thanh toán cho đến khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này kết thúc, qua đó không chỉ giúp các công ty mà còn giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Một số chuyên gia dự báo kinh tế Italy có thể giảm khoảng 1,4-1,6% trong năm nay, so với ước tính tăng ít nhất 0,4% được đưa ra trước khi dịch bệnh bùng phát.

Chuyên gia kinh tế Alessandro Polli - Đại học La Sapienza ở Rome - cho rằng: Những vấn đề liên quan đến dịch COVID-19 đang làm xói mòn một số trụ cột lâu nay của nền kinh tế Italy. Chúng ta không thể đoán được tác động đối với nền kinh tế sẽ lớn đến mức nào cho đến khi chúng ta biết được dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài trong bao lâu và lan rộng tới đây. Tuy nhiên, chúng ta đang nhận thấy những thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế.

Australia - 102 tỷ USD "bốc hơi" trên thị trường chứng khoán

Còn tạiAustralia, thị trường chứng khoản nước này ngày 9/3 đã chứng kiến phiên giao dịch “thất bại nhất” trong 12 năm qua, với 155 tỷ AUD (102 tỷ USD) bốc hơi, do tâm lý lo ngại về dịch COVID-19.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo rằng những ảnh hưởng kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ lớn hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thủ tướng Australia cũngcho biết đã đến lúc Chính phủ Australia “hy sinh” dự báo thặng dư ngân sách để hướng tới một gói kích thích kinh tế mới, nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Để thực hiện điều này, Chính phủ dự kiến thiết lập một gói kích cầu trị giá 10 tỷ AUD (6,5 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.

Nhật Bảnsẵn sàng ứng phó với tình trạng bất ổn

Tương tự với các quốc gia khác, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng vừa khẳng định sẽ hành động thích hợp để bình ổn thị trường, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang lao dốc và đồng nội tệ (đồng yen) của nước này tăng giá mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kỹ thuật. Trong quý 4/2019, tăng trưởng thực tế của nền kinh tế nước này là âm 7,1%.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói rằng các thị trường tài chính đang bất ổn và BoJ sẵn sàng ứng phó với tình trạng bất ổn “mà không do dự". Ông khẳng định BoJ “sẽ nỗ lực để đảm bảo đủ thanh khoản và sự ổn định trên các thị trường tài chính” thông qua các hoạt động mua trái phiếu và tăng cường mua vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Nhiều nhà đầu tư cũng dự đoán về khả năng BoJ sẽ can thiệp để chặn đà tăng giá của đồng yen bởi việc đồng yen mạnh lên sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các hàng hóa sản xuất tại Nhật Bản và giảm lợi nhuận của DN trong nước. Nếu BoJ làm như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2011, ngân hàng trung ương này can thiệp vào thị trường tiền tệ.

NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Kinh tế nhiều quốc gia đối mặt thách thức do dịch Covid-19