"Thập kỷ của những cơ hội bị lãng phí"
Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4% trong năm 2024. Nếu mọi thứ diễn ra đúng như dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong 3 năm liên tiếp.
Theo báo cáo, nền kinh tế toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng 2,7% vào năm 2025, mặc dù tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm sẽ vẫn thấp hơn gần 0.75 điểm phần trăm so với tốc độ trung bình của những năm 2010.
Kinh tế toàn cầu vẫn trụ vững bất chấp nhiều rủi ro suy thoái trong năm 2023 nhưng căng thẳng địa chính trị leo thang sẽ là yếu tố thách thức trong tương lai gần, WB nhận định.
Theo WB, trong giai đoạn 2024 – 2025, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với mức trung bình của thập kỷ trước.
“Xung đột vẫn đang diễn ra ở Đông Âu, giữa Nga và Ukraine. Kế đó là xung đột ở Trung Đông. Sự leo thang của các cuộc chiến có thể gây tác động nghiêm trọng tới giá năng lượng, tiếp sau đó là lạm phát và tăng trưởng kinh tế”, Phó kinh tế trưởng Ayhan Kose tại WB cho hay.
WB cảnh báo nếu không có sự điều chỉnh lớn nào, những năm 2020 sẽ là “thập kỷ của những cơ hội bị lãng phí”.
Theo dự báo của WB, các khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong năm nay sẽ là Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Á và châu Á – Thái Bình Dương (chủ yếu là do sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc).
Trái lại, khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe sẽ tăng trưởng nhẹ nhờ mức nền thấp của năm ngoái. Khu vực Trung Đông và châu Phi sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh hơn đáng kể.
Các nền kinh tế đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trung hạn do thương mại toàn cầu trì trệ và điều kiện tài chính thắt chặt đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.
Gánh nặng nợ công
Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm phó chủ tịch cấp cao của WB cho biết: “Mức tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu khiến nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất, mắc kẹt trong cái bẫy: mức nợ cao ngất ngưởng và 1/3 dân số khó tiếp cận thực phẩm”.
Không chỉ ở các quốc gia đang phát triển, nợ công đã tăng bùng nổ trong đại dịch và theo dự báo, lượng vay nợ mới trong năm nay của chính phủ tại một số nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục phá kỷ lục. Điều này sẽ khiến các chính phủ suy giảm khả năng ứng phó với những cú sốc như khủng hoảng tài chính, bệnh dịch hay chiến tranh… có thể xảy ra. Ngay cả trong trường hợp không có cuộc khủng hoảng nào mới, chi phí lãi vay tăng cao cũng sẽ hạn chế nỗ lực để giải quyết các vấn đề hiện tại như chống biến đổi khí hậu và chăm sóc người cao tuổi. Dịch vụ công ở nhiều nước đang đối mặt với sức ép lớn từ các đợt cắt giảm ngân sách nối tiếp nhau - theo hãng tin CNN.
Đáng lo ngại hơn nữa là trong lúc gánh nặng nợ nần gia tăng, các chính phủ nhận thấy việc vay nợ thêm - để giải quyết các nghĩa vụ nợ đang có và đáp ứng đầy đủ các dịch vụ căn bản - ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Một chính phủ không thể trang trải các nghĩa vụ nợ sẽ buộc phải thực thi các biện pháp cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế một cách đột ngột và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế - theo nhận định của ông Michael Saunders, một cựu thành viên uỷ ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). “Và một chính phủ như vậy có thể sẽ thiếu dư địa tài khoá để phản ứng với những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai, để cung cấp sự hỗ trợ tài khoá cho nền kinh tế khi cần nhất”, ông Saunders nói với CNN.
Trong tài khóa kết thúc vào ngày 5/4/2024, số tiền lãi nợ công mà Chính phủ Anh dự kiến phải trả sẽ lên tới 94 tỷ bảng (120 tỷ USD), nhiều hơn so với ngân sách dành cho giáo dục hay quốc phòng - theo Văn phòng Ngân sách có trách nhiệm (OBR).
Còn ở Mỹ, tiền lãi nợ công trong tài khoá kết thúc vào ngày 30/9/2023 đã lên tới 659 tỷ USD - theo Bộ Tài chính nước này - tăng 39% so với tài khoá trước và gần gấp đôi so với con số của năm 2020. Theo Uỷ ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), tiền lãi nợ công của Mỹ trong năm 2023 nhiều hơn cả ngân sách chi cho mỗi lĩnh vực gồm nhà ở, giao thông, và giáo dục bậc cao.
Một điều đáng lo ngại nữa là sự gia tăng mạnh mẽ của nợ công và tiền lãi nợ công của các nền kinh tế phát triển phần nào phản ánh sự giảm tốc của nền kinh tế và sự gia tăng của số người già trong tương quan so sánh với số người trong độ tuổi lao động. Trong bối cảnh như vậy, bài toán về nợ công lại càng khó giải.
Cơ hội lật ngược tình thế
Các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 3,9% vào năm 2024, thấp hơn hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập kỷ trước. WB cho biết, đến cuối năm nay, người dân ở khoảng 25% quốc gia đang phát triển và khoảng 40% quốc gia thu nhập thấp sẽ vẫn nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 năm 2019.
WB cho biết dữ liệu cho thấy thế giới đã thất bại trong mục tiêu biến những năm 2020 thành một “thập kỷ biến đổi” trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói cùng cực, các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thế giới vẫn sẽ có cơ hội lật ngược tình thế nếu các chính phủ nhanh chóng hành động để tăng cường đầu tư và củng cố khuôn khổ chính sách tài khóa.
“Sự bùng nổ đầu tư có khả năng chuyển đổi các nền kinh tế đang phát triển và giúp họ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như đạt được nhiều mục tiêu phát triển khác nhau”, ông Kose cho biết trong báo cáo được công bố trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới.
Theo ông Kose, để khơi dậy sự bùng nổ này, các nền kinh tế đang phát triển cần thực hiện các gói chính sách toàn diện nhằm cải thiện khuôn khổ tài chính và tiền tệ, mở rộng thương mại và dòng tài chính xuyên biên giới, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường chất lượng thể chế.
“Đó là công việc khó khăn nhưng nhiều nền kinh tế đang phát triển đã có thể làm được trước đây. Làm lại điều đó sẽ giúp giảm thiểu sự chậm lại dự kiến về tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong phần còn lại của thập kỷ này”, ông nhận định.