Kinh tế tư nhân trước bước ngoặt lịch sử Bài cuối: Gỡ điểm nghẽn, khơi dòng chảy nhanh, mạnh

(BKTO) - Nhận diện rõ những rào cản kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân (KTTN), Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề là cải cách thể chế. Chưa dừng ở đó, chỉ 13 ngày sau, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN. Sự quyết liệt và thần tốc này đã tạo niềm tin và kỳ vọng rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông dòng chảy KTTN nhanh hơn, mạnh hơn, bứt phá hơn trong tương lai.

12.jpg
Nghị quyết 68 đã giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN. Ảnh minh họa

“Phá băng bức tường” điều kiện kinh doanh

Lâu nay, điều kiện kinh doanh - một “bức tường” rất khó tháo gỡ, thì nay Nghị quyết 68 nêu rõ: Chuyển toàn bộ sang công bố, không để các Bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. Đây là một đột phá thực sự, gần như “bức tường được phá băng” - bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính nhấn mạnh. Tinh thần của các nhóm giải pháp cải cách thể chế không chỉ là “đơn giản hóa” hay “sửa đổi”, mà thể hiện rất mạnh mẽ bằng “bãi bỏ”, “cắt giảm”... Tinh thần này rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước trên thế giới - ông Phan Đức Hiếu, đại biểu chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội bình luận.

Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ các “chiếc khóa” thể chế mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm lớn lao trong việc trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới. 

TS. Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển DN

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, lần này, chúng ta chủ động thiết kế, kiến tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển, để dòng chảy kinh tế được lưu thông một cách tự nhiên, thậm chí làm cho chảy nhanh hơn, đúng hướng hơn, tốt hơn, chứ không phải là ngăn cấm. Thực tiễn cho thấy, từ định hướng của Nghị quyết 68, Nghị quyết 198 đã cụ thể hóa bằng quy định: Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Tương tự, từ Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu “Chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hiện đại hóa quản trị công, quản trị dựa trên dữ liệu. Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…”, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định: “Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát”. Về nội dung này, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho hay, chúng ta coi DN là đối tác và đã mạnh dạn chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay vì quản lý theo “hình nón ngược”, siết chặt đầu vào nhưng lỏng lẻo đầu ra, chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, làm theo “hình chiếc phễu”. Đó là tạo điều kiện cho đầu vào thông thoáng, tự do, nhưng quản lý đầu ra rất chặt chẽ bằng các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra.

“Mở lối” cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực

Nhận diện việc tiếp cận các nguồn lực là một trong những trở ngại lớn nhất đối với DN thời gian qua, Nghị quyết 68 đã nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ. Trong đó, về tiếp cận vốn, Nghị quyết 68 quy định có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại dành cho DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa, DN công nghiệp hỗ trợ, DN khởi nghiệp sáng tạo; có chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính, tín dụng… Nghị quyết 198 đã cụ thể hóa bằng quy định DN nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập DN trong 3 năm đầu; hộ kinh doanh chuyển đổi số sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sử dụng các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung. Các DN khởi nghiệp, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp và tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp được miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Các DN tư nhân, hộ kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn. Về tiếp cận đất đai, Nghị quyết quy định, các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu/cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ…

Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB - ông Từ Tiến Phát - khẳng định, việc miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong 3 năm đầu là giải pháp tuyệt vời bởi đó là khoảng thời gian sinh tồn của DN. Hiện nay, đa số DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thường trên 50% DN khó tồn tại sau 1-2 năm thành lập.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 còn khuyến khích các tổ chức tín dụng sử dụng linh hoạt các hình thức bảo đảm như cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả bất động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp. Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - TS. Lê Xuân Sang - đánh giá, Nhà nước đã chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh. Việc thiếu vắng hệ thống mức độ tín nhiệm DN vốn là điểm nghẽn “kinh niên” cản trở cho vay, đầu tư vào DN thì nay đã mở ra giải pháp mới giúp DN tiếp cận dễ dàng hơn với vốn giá rẻ hơn.

Đáng chú ý, quán triệt tinh thần Nghị quyết 68, Nghị quyết 198 có điều riêng quy định về đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia để hỗ trợ hình thành DN vừa và lớn, DN tiên phong. Luật sư Nguyễn Hồng Chuyên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sở hữu trí tuệ Davilaw - bày tỏ, trước đây, chúng ta chỉ áp dụng chính sách đặt hàng với sản phẩm dịch vụ công, nhưng Nghị quyết 198 cho phép áp dụng cơ chế đặt hàng đối với các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Cơ chế này vừa tăng tính chủ động cho chủ đầu tư, vừa góp phần quan trọng rút ngắn thủ tục, quy trình lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện sớm đưa công trình, dự án trọng điểm vào sử dụng.

Tạo lá chắn pháp lý bảo vệ người kinh doanh

Điểm đặc biệt, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 đã “cởi trói” cho DN tư nhân khỏi nỗi sợ về sự an toàn khi không hình sự hóa và không hồi tố, bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nhân. Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - TS. Bùi Thanh Minh - chia sẻ, những vụ án kéo dài gần đây đã tạo tâm lý e dè và làm giảm động lực kinh doanh của đội ngũ doanh nhân - những người tiên phong trên mặt trận kinh tế. “Doanh nhân khi thành lập DN giống như người lái xe. Họ muốn đi xa, đi nhanh nhưng quan trọng nhất là phải an toàn. Người lái xe không sợ ổ gà vì có thể giảm tốc. Họ sợ đi trên đường mà hôm nay được phép, nhưng hôm sau nhận được quyết định phạt nguội” - ông Minh ví von.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ - cũng nhấn mạnh, việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự là một cam kết chính trị mạnh mẽ: Nhà nước đứng về phía DN làm ăn chân chính. Nói thẳng thắn như nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược) - TS. Nguyễn Đình Cung, đây là một trong những giải pháp được cho là nhạy cảm, ít người bàn luận, dù đã được nhắc đến. Vì vậy, các kiến nghị để thực thi thường không đầy đủ, không triệt để. Lần này đã được đề cập khá đầy đủ và cụ thể những giải pháp để thực hiện được yêu cầu này.

Cộng đồng DN bày tỏ tin tưởng rằng, 2 Nghị quyết đã dựng lên lá chắn pháp lý, biến nỗi sợ thành động lực. Chính sách “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” không chỉ bảo vệ người kinh doanh, mà còn mở không gian cho sáng tạo, từ blockchain đến tài sản số, vốn được 2 Nghị quyết khuyến khích mạnh mẽ. Khi Nhà nước bảo trợ hành lang pháp lý rõ ràng, miễn là không vi phạm pháp luật, DN tự tin phát huy tối đa năng lực kinh doanh.

Có thể khẳng định, sự ra đời 2 Nghị quyết đã định vị lại la bàn phát triển quốc gia, đưa KTTN về đúng vị thế và vai trò trong nền kinh tế; xác lập quyền tự do kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản trong nhận thức và tiếp cận nguồn lực. Sự đột phá của các Nghị quyết rất đáng trân trọng, song để biến những cơ chế, chính sách này đi thẳng vào cuộc sống, rất cần các nghị định hướng dẫn cụ thể, chi tiết và phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm…/.

Cùng chuyên mục
  • Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023: Hạn chế, bất cập kéo dài  nhiều năm chậm được khắc phục
    6 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Bên cạnh kết quả đạt được trong công tác thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2023 và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2024 cho thấy, tại một số Bộ, ngành, địa phương tiếp tục còn nhiều hạn chế kéo dài nhiều năm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2023 chưa được xử lý dứt điểm.
  • Quảng Ngãi: 30 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội
    20 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (Chi nhánh) tỉnh Quảng Ngãi được giao 30 tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
  • Sử dụng điện hiệu quả: Công sở đi trước, cộng đồng theo sau
    21 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nhu cầu sử dụng điện liên tục gia tăng, đặc biệt trong những tháng cao điểm nắng nóng, việc thực hành tiết kiệm điện không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với toàn xã hội. Trong đó, nhóm khách hàng công sở, khối hành chính sự nghiệp cần đóng vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả.
  • FinanceAsia: SHB là “Ngân hàng Tốt nhất cho Khách hàng Khu vực công” năm 2025 tại Việt Nam
    22 giờ trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Trong khuôn khổ FinanceAsia Awards 2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) được vinh danh là “Ngân hàng Tốt nhất cho Khách hàng Khu vực công” tại Việt Nam. Giải thưởng ghi nhận những nỗ lực không ngừng của SHB trong việc cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện, hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực công; đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước.
  • Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch giao để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là tại những vùng khó khăn; tạo không gian phát triển, động lực phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế…
Kinh tế tư nhân trước bước ngoặt lịch sử Bài cuối: Gỡ điểm nghẽn, khơi dòng chảy nhanh, mạnh