Kịp thời thu mua cây đổ, không ép giá người trồng rừng bị ảnh hưởng bởi bão lũ

(BKTO) - Tại Hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Quốc Trị đề nghị các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp thu mua cây đổ, không ép giá, gây khó khăn cho người trồng rừng.

_dsc5401.jpg
Một khu vực rừng trồng bị sạt lở sau cơn bão số 3 tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh TL

Theo Cục Lâm nghiệp, cơn bão số 3 gây tổn thất lớn đến người và tài sản, gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.

Trong đó, ngành lâm nghiệp chịu thiệt hại nặng nề tới hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến, thương mại lâm sản tại vùng chịu ảnh hưởng. Diện tích rừng trồng sản xuất gần 170 nghìn ha bị thiệt hại, nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, ông Vũ Huy Văn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ninh cho biết, qua thống kê sơ bộ cho thấy, trong lĩnh vực lâm nghiệp, bão số 3 đã gây thiệt hại trên 117 nghìn ha diện tích rừng. 

Theo ông Văn, tỉnh sẽ tiếp tục thống kê chính xác thiệt hại và thực hiện ngay chính sách hỗ trợ sau bão theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, tỉnh áp khung hỗ trợ cao nhất cho người trồng trên đất rừng bị ảnh hưởng theo quy định hiện hành, tuy nhiên có khó khăn ở đối tượng doanh nghiệp bị thiệt hại. 

“Tỉnh đề nghị được nâng mức hỗ trợ nếu địa phương bố trí được nguồn kinh phí” - ông Văn thông tin. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng NNPTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, bão số 3 được đánh giá là bất thường, cả về đường đi của bão, ảnh hưởng của bão. Đồng thời, bão số 3 đã gây mưa lớn trên phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng cả đời sống và sản xuất.

Sau cơn bão, 170 nghìn ha rừng bị gãy đổ. Diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt. Ngoài các hộ trồng rừng, ước tính khoảng 200 doanh nghiệp đã bị thiệt hại với tổng số tiền khoảng 40 tỷ đồng. 

Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các sở, ngành địa phương bị ảnh hưởng bão, lũ khẩn trương có các hoạt động chia sẻ bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, nhanh chóng khôi phục ổn định sản xuất lâm nghiệp cho người dân và doanh nghiệp; đặc biệt là trồng lại diện tích rừng bị thiệt hại và hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong thời gian tới. 

Đồng thời, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vận động doanh nghiệp thành viên thu mua cây đổ, cây tận thu nhanh chóng, kịp thời, không ép giá, không gây khó khăn cho người có rừng bị thiệt hại.

Để phục vụ trồng rừng mới, Thứ trưởng đề nghị toàn ngành rà soát lại toàn bộ nguồn giống hiện có và khả năng cung cấp cây giống, nhu cầu của địa phương để cung ứng cho các chủ rừng, đảm bảo bắt đầu trồng rừng vào mùa xuân tới. Thứ trưởng giao Viện Khoa học Lâm nghiệp chuẩn bị cây giống gốc, xem xét việc nhập khẩu một số hạt giống của nước ngoài đảm bảo đủ điều kiện về chất lượng.

Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm tiếp tục hướng dẫn địa phương các biện pháp kỹ thuật về khai thác tận thu, tận dụng, vệ sinh rừng, đặc biệt là công tác phòng cháy cần được ưu tiên do nguy cơ cháy rừng tăng cao sau bão./. 

Cùng chuyên mục
Kịp thời thu mua cây đổ, không ép giá người trồng rừng bị ảnh hưởng bởi bão lũ