Ninh Bình: Hướng tới top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước

Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn, HĐND tỉnh Ninh Bình đã thông qua Đề án về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024-2025. Phấn đấu đến năm 2025, Ninh Bình nằm trong top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.

Đề án được ban hành nhằm mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, các nền tảng cơ bản để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2025, Ninh Bình nằm trong top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước. Trong đó, về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt tối thiểu 10%. Về xã hội số, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tối thiểu 90%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến THPT có mô hình quản trị số, hoạt động số đạt tối thiểu 70%.

chuyen-doi-so.jpg
Phấn đấu đến năm 2025, Ninh Bình nằm trong top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.

Về hạ tầng số, dữ liệu số, phấn đấu đạt 100% các mục tiêu, như địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng mạng di động 4G và mạng Internet cáp quang; khu vực trung tâm các huyện, thành phố, các cụm, khu công nghiệp của tỉnh có sóng di động 5G. Phấn đấu 100% hệ thống thông tin, phần mềm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được xây dựng, phê duyệt hồ sơ và triển khai phương án đảm bảo cấp độ an toàn hệ thống thông tin; được kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định...

Từ những mục tiêu đặt ra trong Đề án, có thể thấy, người dân chính là "trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số". Mỗi người dân trở thành công dân số thì chuyển đổi số mới thành công. Do vậy, chuyển đổi số mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng toàn dân.

Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra, để người dân được hưởng lợi từ dịch vụ công, sử dụng các tiện ích xã hội nhanh và hiệu quả hơn, từ đó sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Thực tế, những năm qua, công tác chuyển đổi số được các cấp, các ngành trên địa Ninh Bình bàn quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, đã đạt được những kết quả tích cực: Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao về chất lượng, nội dung và quy trình; Thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn; nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc, kỷ luật kỷ cương hành chính không ngừng được nâng cao; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giải quyết công việc, theo dõi, kiểm tra, giám sát công việc bước đầu đã phát huy được hiệu quả...

Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, ngày 3/4/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND thông qua Đề án số 06/ĐA-UBND ngày 03/4/2024 của UBND tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024-2025.

Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số. Hạ tầng công nghệ thông tin, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống đường truyền Internet, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định, di động. Trung tâm dữ liệu tỉnh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung, tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC…

Tại Thành phố Ninh Bình, phát huy thế mạnh của chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và phục vụ Nhân dân, thành phố Ninh Bình đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuyển đổi số tại các xã, phường trên địa bàn thông qua việc cải thiện các chỉ số chuyển đổi số, góp phần cụ thể hóa mô hình chuyển đổi số cấp xã.

mot-cua-tp-ninh-binh.jpg
Thành phố Ninh Bình, phát huy thế mạnh của chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và phục vụ Nhân dân

Đến bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Nam Thành, để giải quyết thủ tục hành chính, ông Nguyễn Văn Thế (phố Bắc Thành) không chỉ được cán bộ tại bộ phận nhanh chóng giải quyết thủ tục, điền các thông tin cần thiết mà còn tư vấn, hướng dẫn cách thức thực hiện thủ tục trực tuyến trên môi trường điện tử.

Đồng chí Lê Thị Kiều Hoa, công chức Văn phòng-thống kê tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Nam Thành cho biết: Để người dân trong phường tiếp cận với hoạt động chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số phường đã ban hành kế hoạch, triển khai toàn diện các nội dung: tuyên truyền, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ chuyển đổi số, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ…

Theo thống kê 8 tháng năm 2024, tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Nam Thành đã có hơn 3.000 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết; trong đó 80% hồ sơ thực hiện toàn trình, không có hồ sơ tồn đọng, bị trễ hẹn.

Trong những năm qua, UBND thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành với nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số gắn liền với tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, nhanh chóng đưa thành phố Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng chuyên mục
Ninh Bình: Hướng tới top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước