Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương, các cơ quan thuế ở địa phương, các đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, các Hiệp hội Doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn, các công ty tư vấn thuế, các chuyên gia của IMF tại Việt Nam…
Hội thảo còn được kết nối với các chuyên gia của Trung tâm chính sách và Quản lý thuế của OECD tại Paris (Pháp).
Dự và phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nhưng việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thông qua các ưu đãi về thuế đã dẫn đến sự khác biệt về mặt bằng ưu đãi thuế giữa các nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia thực hiện chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hoặc “thiên đường” thuế, tạo ra cuộc đua “cùng nhau xuống đáy”.
Thực trạng này gây xói mòn cơ sở tính thuế và gia tăng sự bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp trong một quốc gia.
Trong bối cảnh đó, tháng 6/2013, Tổ chức OECD đã khởi xướng và được Nhóm G20 thông qua Diễn đàn chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận với mục tiêu phân chia quyền đánh thuế và bảo đảm rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động đầu tư quốc tế đều phải trả một mức thuế tối thiểu trong phạm vi toàn cầu.
Để giải quyết một cách hiệu quả tình trạng chuyển lợi nhuận về những nơi có chế độ thuế thấp và chấm dứt cuộc đua cùng nhau xuống đáy giữa các quốc gia trong ưu đãi thuế để cạnh tranh thu hút đầu tư, tháng 10/2021, G20 đã đưa ra thỏa thuận nhằm đạt được mức thuế suất hiệu quả tối thiểu toàn cầu 15%, áp dụng cho các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro, mà không cần có một thoả thuận đa phương giữa các nước về nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu hiện đã được OECD thông qua và bắt đầu áp dụng tại một số quốc gia từ 2024 và các năm tới đây. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài và hệ thống các chính sách ưu đãi của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Với thực trạng là nước nhận vốn đầu tư của nước ngoài lớn, có nhiều chính sách ưu đãi về Thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành các giải pháp chính sách phù hợp.
Từ góc độ của cơ quan lập pháp, để đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin cho các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với WB tổ chức Hội thảo nhằm tạo diễn đàn mở để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia cùng đại diện khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các công ty tư vấn thuế và các đại biểu tham dự trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến cơ chế hoạt động của Thuế tối thiểu toàn cầu.
Đồng thời làm rõ tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam từ góc độ thực tiễn của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như từ góc độ của các nhà làm chính sách; tính tương thích, hiệu quả của hệ thống các chính sách ưu đãi của Việt Nam hiện nay so với quy định cụ thể của Thuế tối thiểu toàn cầu. Từ đó có những khuyến nghị, gợi mở về giải pháp chính sách phù hợp cho Việt Nam trong tình hình mới.
“Đây là những thông tin quan trọng, thiết thực cho Chính phủ, Quốc hội Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, cải cách hệ thống chính sách Thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ đầu tư trong điều kiện nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại Hội thảo các, đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế trình bày tham luận về Hiện trạng hệ thống ưu đãi thuế tại Việt Nam: những vấn đề đặt ra trong bối cảnh Thuế tối thiểu toàn cầu và dự kiến sửa đổi từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước; các chuyên gia của OECD có trao đổi về Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ chế hoạt động, tình hình triển khai và dự kiến tác động đối với các nước đang phát triển; chuyên gia của WB có trao đổi về So sánh ưu đãi thuế của Việt Nam với các quy định của Thuế tối thiểu toàn cầu - Một số gợi ý chính sách.../.