Nan giải xử lý chuyển nguồn, thu hồi vốn tạm ứng
Một trong những vấn đề được báo giới quan tâm qua kết quả kiểm toán năm 2018 đó là số chi chuyển nguồn chiếm tới 19,4% tổng chi cân đối NSNN.
Quang cảnh buổi họp báo |
Cùng với chi chuyển nguồn lớn, việc cho vay, tạm ứng và ứng trước dự toán đến hết năm 2017 chưa thu hồi là 86.339 tỷ đồng (Bộ, ngành, cơ quan Trung ương 49.455 tỷ đồng; địa phương 36.884 tỷ đồng), tăng 9,4% so với năm 2016, trong đó chưa đề xuất bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thu hồi 24.204 tỷ đồng.
Phân tích, làm rõ hơn vấn đề này, ông Hoàng Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, vấn đề chi chuyển nguồn vốn và thu hồi vốn tạm ứng cho các công trình, dự án đã kéo dài nhiều năm. Hai vấn đề này đã được đề cập trong báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2017 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong Nghị quyết của Quốc hội và đang trình Chủ tịch Quốc hội xem xét.
Qua báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 cho thấy, việc chi chuyển nguồn NSNN và kết dư ngân sách địa phương lớn, đã làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Ông Hoàng Quang Hàm |
Kết quả kiểm toán của KTNN nêu rõ: Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN năm 2015, song chi chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018 vẫn ở mức cao (326.380 tỷ đồng), tăng 19.488 tỷ đồng so với số quyết toán năm 2016, bằng 19,4% tổng chi cân đối NSNN (326.380/1.681.414 tỷ đồng) và là mức cao nhất so với tỷ lệ tương ứng trong 3 năm gần đây. |
Mặt khác, với sự quyết liệt của Quốc hội trong việc chỉ đạo, giám sát, Chính phủ và các đơn vị thực hiện cũng phải xem xét thay đổi từ khâu lập, giao dự toán đến chỉ đạo, giám sát việc sử dụng ngân sách.
Về vấn đề chậm thu hồi vốn tạm ứng cho các công trình, dự án, ông Hàm cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do ở giai đoạn trước, dù nguồn vốn có hạn, song lại đầu tư vượt quá nhiều lần khả năng, nên quá trình đầu tư xây dựng công trình dây dưa, kéo dài, khiến việc thu hồi vốn ứng trước gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cũng đồng thời thể hiện việc thực hiện kỷ luật tài chính, ý thức chấp hành Luật NSNN không nghiêm.
Cần chấn chỉnh, xử lý dứt điểm vi phạm trong đầu tư công
Chia sẻ về kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công, tại cuộc họp báo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, trong báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018, KTNN tiếp tục chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công, trong đó, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chưa hiệu quả.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên |
Mặt khác, một số dự án được giao vốn nhưng không bố trí vốn đủ tỷ lệ, có những chương trình mục tiêu được giao vốn rất thấp, có dự án chỉ bố trí vốn được 16%, như Dự án Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, còn sai sót trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt, quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh quyết toán... trong đó, có những trường hợp cá biệt chưa xác định rõ nguồn đã bố trí vốn, khả năng cân đối vốn chưa xác định được nhưng đã phân bổ vốn.
Trên cơ sở đó kết quả kiểm toán về quyết toán NSNN năm 2017, KTNN đã kiến nghị với Chính phủ về trách nhiệm của Bộ KH&ĐT. Đặc biệt, KTNN kiến nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 4 dự án của VEC từ hình thức cho vay sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; thu hồi vốn đã giao cho 4 dự án này; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.
Đông đảo các đại biểu tham dự họp báo |
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng cho rằng, Luật Đầu tư công đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tuy nhiên trong quá trình đầu tư vẫn còn nhiều sai phạm. Nguyên nhân chủ yếu là việc xác định Danh mục các dự án đầu tư công trong lĩnh vực đầu tư trung hạn còn nhiều bất cập, đặc biệt trong quá trình đó các Bộ, ngành đánh giá chưa hết mức độ cần thiết để bố trí vốn; các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ vốn dàn trải, phân tán. Hơn nữa, vấn đề thẩm định của các cơ quan chức năng chưa được chi tiết nên khó điều chỉnh vốn.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vì sao đội vốn và chậm tiến độ?
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm cũng đã được đại diện các cơ quan báo chí đặt ra và được lãnh đạo KTNN, đại diện các đơn vị thuộc KTNN trả lời thỏa đáng.
Lãnh đạo đơn vị thuộc KTNN trả lời câu hỏi của phóng viên |
Nguyên nhân là trong quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ, khi thực hiện thì thay đổi phương án dẫn đến tăng chi phí; ngoài ra do bàn giao mặt bằng chậm, tiến độ thực hiện kéo dài khiến chi phí nhân công, vật liệu tăng cao…
Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã tăng mức tổng đầu tư từ 8.700 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay, Dự án vẫn chưa hoàn thành để đưa vào hoạt động. |
Thứ hai, khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư chưa xem xét đến chi phí vận hành - chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến đánh giá tính hiệu quả của dự án không chính xác. Thực tế, ngay từ phương án tài chính ban đầu, dự án này đã lỗ.
Thứ ba, tổng mức đầu tư điều chỉnh có một số chi phí, thiết bị, đào tạo và một số chi phí khác cũng chưa có đầy đủ cơ sở, KTNN đã đề nghị bổ sung cơ sở của những điều chỉnh này.
Thứ tư, về phê duyệt cơ cấu tổng mức đầu tư có bổ sung trả nợ gốc vào Hiệp định vay bổ sung chưa đúng quy định, làm tăng định mức hơn 400 tỷ đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến tiến độ Dự án chậm, theo ông Trần Hải Đông, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian nghiên cứu để ban hành chính sách về chủ đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế tài chính...
Mặt khác, quá trình lập dự án đầu tư có một số tồn tại dẫn tới phát sinh thỏa thuận đấu nối cơ sở hạ tầng toàn tuyến, thỏa thuận phương án kiến trúc, phê duyệt điều chỉnh dự án, tiến độ bàn giao mặt bằng chậm từ 1-5 tháng.
Ngoài ra, do quy định về hồ sơ thiết kế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có khác biệt dẫn tới thời gian thiết kế, thẩm tra, điều chỉnh nhiều lần. Tổng thầu thực hiện Dự án được chỉ định trực tiếp từ Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, do đó, khi thực hiện, Dự án phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nước ngoài về vốn và tổng thầu.
Theo quy định của Hợp đồng EPC, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán phải được hoàn thành, nộp cho chủ đầu tư trong vòng 9 tháng kể từ ngày bắt đầu thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế khâu thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán chậm, kéo dài và đến tháng 6/2011, do chưa hoàn thành nên Bộ Giao thông vận tải có phương án là cho phép thực hiện thiết kế từng phần. Đây cũng là lý do ảnh hưởng đến tiến độ Dự án không như cam kết ban đầu.
Nhấn mạnh nguyên nhân của việc chậm tiến độ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên lý giải: Dự án phải thực hiện theo thiết kế tổng thể, nhưng vì chậm tiến độ nên Bộ Giao thông vận tải cho phép thực hiện theo thiết kế từng phần. Dù thực hiện giải pháp như vậy nhưng tiến độ vẫn không đảm bảo. Vì thực hiện chắp vá nên ảnh hưởng đến tiến độ và có khả năng rủi ro cả về chất lượng. Vì vậy, trong vấn đề quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải cần nghiêm túc đánh giá về vấn đề này.