KTNN Trung Quốc: Không ngừng phát triển, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên “có tầm”

(BKTO) - Kể từ khi được bổ nhiệm chức Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc, bà Hu Zejun luôn sử dụng cụm từ “có tầm” với hàm ý rằng, các kiểm toán viên phải luôn đặt mình ở một vị trí cao hơn để có thể nhìn xa, trông rộng về tình hình và các xu thế phát triển. Cụm từ này càng có ý nghĩa hơn đối với một Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) phải đối mặt với những kỳ vọng ngày càng gia tăng do tốc độ phát triển nhanh chóng của công tác kiểm toán Chính phủ như KTNN Trung Quốc (CNAO).



Các SAI hiện nay không còn đơn thuần dừng lại ở việc thực hiện công tác kiểm tra sổ sách tài chính, mà còn đóng góp tích cực vào công tác quản trị công quốc gia thông qua các sáng kiến, như kiểm toán tiến trình, hiệu quả và các nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Trong thời gian qua, CNAO đã áp dụng nhiều sáng kiến để giúp các kiểm toán viên đạt được điều đó. Trong số những sáng kiến đem lại hiệu quả cao cho CNAO, phải kể đến Chương trình Thuyết giảng về kiểm toán nhằm tăng cường năng lực cho kiểm toán viên nhà nước.

Ở cấp độ quốc gia, CNAO luôn nỗ lực công bố một cách nhanh nhất các kết quả kiểm toán tới người dân, cải thiện tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán và bảo vệ quyền “được biết” của người dân. Trên bình diện quốc tế, CNAO là một trong những SAI luôn đóng vai trò dẫn đầu trên các diễn đàn đa phương, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Minh chứng là tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 diễn ra tại Hà Nội, CNAO đã được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng Thư ký ASOSAI cho nhiệm kỳ 2018-2021 vì những đóng góp đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy cơ chế hợp tác đối với các vấn đề quốc tế. Bên cạnh đó, CNAO còn giữ vai trò Chủ tịch Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI và là thành viên Nhóm công tác về Kiểm toán nợ công của INTOSAI.

Trong định hướng phát triển của CNAO, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hu Zejun luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, bao gồm: Liên Hợp Quốc, các nhà tài trợ, các tổ chức xây dựng chuẩn mực và luôn tích cực phản hồi lại những vấn đề xã hội quan tâm cũng như sự hỗ trợ của các bên liên quan. Mục tiêu cuối cùng của CNAO cũng nhằm hướng tới cái “tầm” của một Cơ quan Kiểm toán đóng vai trò là công cụ đắc lực cho công tác giám sát tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ lợi ích của người dân như cam kết trong Tuyên bố Bắc Kinh mà CNAO thông qua tại Đại hội lần thứ 21 của INTOSAI.
TRÚC LINH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Cùng chuyên mục
KTNN Trung Quốc: Không ngừng phát triển, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên “có tầm”