Tại Hội thảo “Làm thế nào để đáp ứng mong đợi của công chúng về SAI” do Ủy ban Phát triển năng lực của ASOSAI (CDA) tổ chức tại Bali, Indonesia tháng 12/2023 vừa qua, đại diện KTNN Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp dành cho SAI của mình.
Đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình
Trước hết, KTNN cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện công khai các chuẩn mực, phương pháp kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng như kết quả, báo cáo kiểm toán. Thông qua việc thực hiện Khung đánh giá hoạt động SAI (SAI PMF), xây dựng các Chỉ số đo lường và đánh giá hoạt động hằng năm (KPIs) và sử dụng linh hoạt các hình thức công khai, KTNN có thể từng bước đảm bảo các yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Cụ thể:
Việc sử dụng công cụ SAI PMF cần được thực hiện định kỳ để đánh giá đo lường hoạt động của KTNN và công khai báo cáo kết quả đánh giá nhằm cung cấp thông tin đáng tin cậy về hoạt động của KTNN cho công chúng và các bên liên quan. Thực tế từ năm 2016, KTNN đã tổ chức đánh giá thí điểm theo SAI PMF đối với toàn bộ hệ thống thể chế, tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ liên quan (cho giai đoạn từ tháng 3/2015-12/2016) và dự kiến tiếp tục tổ chức đánh giá SAI PMF theo Khung đánh giá mới được INTOSAI chính thức ban hành với sự hỗ trợ chuyên môn của Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) vào năm 2024.
KTNN cần xây dựng các KPIs đối với việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch năm, việc trao đổi và phối hợp với các bên liên quan trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ mà kế hoạch hoạt động hằng năm và kế hoạch chiến lược của KTNN đã đề ra. Các chỉ số được xây dựng cần cụ thể, chi tiết, trong đó chỉ rõ nguồn lực đầu vào, kết quả mong muốn, quá trình thực hiện; việc triển khai KPI sẽ hiệu quả hơn khi được giao cho một đơn vị giám sát chặt chẽ, kịp thời để đưa ra đánh giá phân tích nguyên nhân và kiến nghị phù hợp.
Việc sử dụng đa dạng hóa và linh hoạt các hình thức công khai đối với báo cáo kiểm toán, mục tiêu chiến lược, chức năng nhiệm vụ… cũng là một trong những cách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của KTNN.
Tăng cường các kỹ năng, xây dựng mạng lưới kết nối
Cùng với đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, KTNN cần bồi dưỡng và tăng cường năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên, trong đó bao gồm cả việc đáp ứng các yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế và thiết lập, duy trì việc đào tạo kỹ năng chuyên môn.
Hệ thống Chuẩn mực KTNN hiện đang rà soát sửa đổi, cập nhật với mục tiêu vừa phù hợp với thực tiễn hoạt động, các quy định pháp luật của Việt Nam nhưng vẫn tuân thủ và cập nhật với những thay đổi của các nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành (bắt đầu từ giữa năm 2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2024).
Bên cạnh đó, KTNN cần tham gia tích cực các tổ chức kiểm toán quốc tế, hiệp hội nghề nghiệp, trao đổi kinh nghiệm với các SAI khác trong khu vực; tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên sâu với sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm rà soát, cập nhật các phương pháp kiểm toán mới, đồng thời chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán, trao đổi thông tin hai chiều, vừa nâng cao năng lực vừa tăng cường hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, KTNN cần xây dựng và duy trì mạng lưới kết nối với các bên liên quan một cách hiệu quả. Cụ thể: Thiết lập kênh thông tin để thu thập ý kiến đánh giá, phản hồi của đơn vị được kiểm toán liên quan đến quy trình kiểm toán; phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu tổ chức hội thảo, trao đổi, nghiên cứu về phương pháp kiểm toán và những ảnh hưởng xã hội từ các cuộc kiểm toán; báo cáo, giới thiệu đại biểu quốc hội về các lĩnh vực kiểm toán mới, việc ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu mới nhất để đưa ra kết quả, kiến nghị kiểm toán và giá trị, tác động mà các cuộc kiểm toán mang lại.
Một số ví dụ sau đây về các cách thức có thể triển khai để khuyến khích sự tham gia, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và thích ứng với các phản hồi từ các bên liên quan:
Đối với các bên liên quan chính thống (Quốc hội, các cơ quan phòng chống tham nhũng của Chính phủ, đơn vị kiểm toán): Tổ chức họp định kỳ hằng quý với các Ủy ban của Quốc hội để thảo luận về kết quả, kiến nghị kiểm toán; phát triển cổng thông tin chuyên ngành về các cơ quan phòng, chống tham nhũng để truy cập dữ liệu các cuộc kiểm toán thời gian thực, thúc đẩy sự minh bạch, phối hợp phòng, chống tham nhũng; áp dụng hệ thống phản hồi để các đơn vị được kiểm toán có thể cung cấp thông tin về quá trình kiểm toán giúp cơ quan kiểm toán hoàn thiện quy trình kiểm toán.
Đối với các bên liên quan khác (báo chí, truyền thông, các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp, công chúng): Tổ chức diễn đàn, hội thảo mở để thảo luận về các chủ đề kiểm toán và thu thập những quan điểm khác nhau giúp tăng cường sự hiểu biết, tham gia của công chúng đối với quy trình kiểm toán; phát hành các báo cáo kiểm toán dạng đơn giản hóa và đưa ra các phát hiện kiểm toán trên các nền tảng công cộng sử dụng sơ đồ hóa và ngôn ngữ dễ hiểu để cung cấp thông tin đến công chúng; phối hợp với các trường đại học nghiên cứu về các thông lệ thực hành kiểm toán và ảnh hưởng xã hội của các cuộc kiểm toán, kết hợp các phương pháp luận khoa học vào các phương pháp kiểm toán; trở thành thành viên của các hiệp hội nghề nghiệp để áp dụng các thực hành và kỹ thuật kiểm toán mới đảm bảo cơ quan kiểm toán duy trì ứng dụng tiến bộ, kỹ thuật kiểm toán mới nhất.
Bên cạnh đó, có thể thực hiện đánh giá về ảnh hưởng từ các cuộc kiểm toán bằng cách: Khảo sát về sự hài lòng của các bên liên quan; xây dựng và thực hiện chỉ số đánh giá khả năng tiếp cận công chúng; đánh giá tỷ lệ thực hiện theo các phản hồi từ các bên liên quan./.