Những vấn đề cần lưu ý khi viện dẫn cơ sở pháp lý trong báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Kiểm toán viên khi đưa ra đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo cơ sở pháp lý để tránh khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời giúp cho việc thực hiện kiến nghị kiểm toán được khả thi, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

7-kiem-toan-nha-nuoc-to-chuc-toa-dam-chia-se-kinh-nghiem-ve-cac-sai-sot-thuong-gap-trong-hoat-dong-kiem-toan-linh-vuc-nsdp.-anh-tu-lieu.jpg
KTNN tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp trong hoạt động kiểm toán lĩnh vực NSĐP. Ảnh tư liệu

Viện dẫn cơ sở pháp lý phải đảm bảo tính chính xác, thống nhất

Theo Vụ Pháp chế - Kiểm toán nhà nước (KTNN), trong những năm qua, công tác thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT) đã từng bước đi vào chiều sâu, tập trung vào tính pháp lý của bằng chứng kiểm toán, các nội dung phức tạp được nêu trong dự thảo BCKT. Các ý kiến tại Báo cáo thẩm định được các đơn vị và các Đoàn kiểm toán cơ bản tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện, góp phần đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý của các đánh giá, nhận xét và tính khả thi của các kết luận, kiến nghị trong BCKT.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định tính pháp lý của dự thảo BCKT một số cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), vẫn còn hạn chế trong viện dẫn cơ sở pháp lý cho các kết quả, phát hiện kiểm toán. Chẳng hạn như: Việc viện dẫn, áp dụng các văn bản để đưa ra các kiến nghị kiểm toán còn khác nhau dẫn đến cùng nội dung nhưng lại đưa ra các kiến nghị khác nhau; áp dụng văn bản mang tính hồi tố (áp dụng về thời điểm trước khi văn bản đó có hiệu lực) nhưng không có điều khoản hướng dẫn. Một số kết luận, kiến nghị kiểm toán viện dẫn các văn bản pháp lý cũ, đã được điều chỉnh tại văn bản quy phạm pháp luật khác.

Theo ông Phạm Huy Quân - Vụ Pháp chế, nguyên nhân của các hạn chế trên là do hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật hiện nay chưa thực sự đồng bộ và thay đổi nhanh trong khi các đơn vị chưa cập nhật, theo dõi kịp thời theo từng lĩnh vực kiểm toán, từng thời điểm áp dụng, dẫn đến việc khó khăn khi ứng dụng trong hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, các quy định của hệ thống văn bản còn thiếu sự thống nhất, chưa đồng bộ, chưa quy định cụ thể việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi thông tin và xử lý các sai phạm dẫn đến việc áp dụng văn bản và viện dẫn văn bản còn lúng túng, chưa thống nhất.

Về chủ quan, trong quá trình thu thập bằng chứng kiểm toán, một số kiểm toán viên chưa cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật, viện dẫn văn bản chưa đúng nguyên tắc (áp dụng văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn; trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng viện dẫn quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau...). Thêm vào đó, việc chưa hệ thống hóa đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, văn bản quản lý điều hành liên quan đến lĩnh vực NSĐP tại các đơn vị cũng khiến kiểm toán viên khó khăn trong việc tìm kiếm, tra cứu nhanh, kịp thời.

Đảm bảo cơ sở pháp lý cho các kết luận, kiến nghị kiểm toán

Thời gian qua, các kiến nghị kiểm toán của KTNN ngày càng tăng, đặc biệt là các kiến nghị kiểm toán đối với cuộc kiểm toán NSĐP. Để cơ sở pháp lý viện dẫn cho các kết quả, phát hiện kiểm toán được củng cố vững chắc, ông Phạm Huy Quân cho rằng, KTNN cần tập trung nâng cao kiến thức và trình độ hiểu biết pháp luật cho đội ngũ kiểm toán viên để áp dụng đúng, đảm bảo tính khả thi, tránh rủi ro kiểm toán. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN.

Bên cạnh việc KTNN xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu pháp luật (pháp luật về KTNN, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kiểm toán), các KTNN khu vực, chuyên ngành, đơn vị tham mưu cũng phải chủ động hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, văn bản quản lý điều hành liên quan đến từng lĩnh vực, trong đó có NSĐP. Việc hệ thống hóa văn bản quy phạm được lưu trữ đảm bảo dễ tìm kiếm, tra cứu nhanh, kịp thời, tốt nhất là lưu theo lĩnh vực, cơ quan quản lý (cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan…) và hệ thống văn bản điều hành ngân sách áp dụng chung: Luật Ngân sách nhà nước cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn quy trình chung; Hệ thống văn bản điều hành ngân sách thuộc trách nhiệm các cơ quan quản lý tổng hợp; Hệ thống các quy định, hướng dẫn điều hành quản lý ngân sách hằng năm; Hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ thị quy định về điều hành ngân sách, kế hoạch vốn trong niên độ thực hiện...

Các kiểm toán viên cũng cần lưu trữ hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật một cách khoa học và được cá nhân hóa nhằm phục vụ việc tra cứu dễ dàng. Trước và trong quá trình tham gia kiểm toán, các kiểm toán viên thường xuyên cập nhật các văn bản mới, tự nghiên cứu, trau dồi, tích lũy kiến thức về pháp luật cho bản thân, đặc biệt là nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Mỗi kiểm toán viên phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc cập nhật quy định pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ công tác được giao. Khi thực hiện kiểm toán, các kiểm toán viên lựa chọn và xem xét sự phù hợp của các quy phạm pháp luật được áp dụng làm căn cứ pháp lý, đưa ra các kết luận, kiến nghị kiểm toán rõ ràng, chặt chẽ trên cơ sở trích dẫn quy định pháp luật liên quan và thuyết minh đầy đủ bằng chứng kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng của BCKT./.

Định kỳ hằng năm, KTNN các khu vực, chuyên ngành, đơn vị tham mưu cần tổ chức toạ đàm, tập huấn rút kinh nghiệm để phát huy những kết quả tốt, đồng thời khắc phục những thiếu sót trong việc áp dụng, viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý để đưa ra ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Cùng chuyên mục
Những vấn đề cần lưu ý khi viện dẫn cơ sở pháp lý trong báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương