Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV: Đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động bảo vệ môi trường

(BKTO)- Chiều 18.6, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).



Đa số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
                
   

ĐBQH Lê Quang Trí (Tiền Giang) - Ảnh: Quang Khánh

   

Đồng tình với các hành vi nghiêm cấm (Điều 5) song ĐBQH Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, hiện nay công nghệ sinh học phát triển, các phòng thí nghiệm vi sinh, virus các nhà khoa học đã và đang tạo ra các chủng mới để phục vụ sản xuất, khám chữa bệnh, phục vụ con người. Tuy nhiên, vấn đề này cũng tạo ra những chuẩn sinh vật nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người, nếu bị phát tán ra cộng đồng thì hậu quả rất nghiêm trọng. ĐB Lê Quang Trí đề nghị, nghiên cứu bổ sung cấm phát tán các chủng vi sinh vật ra môi trường. Đồng thời, cấm nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Nếu ngăn chặn ngay từ đầu việc này thì các doanh nghiệp không cần tốn nhiều chi phí để xử lý rác thải, giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra và giám sát.

Về thẩm quyền thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 42), Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án. Nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2 trong tờ trình của Chính phủ là giao cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo để quản lý thống nhất và gắn với trách nhiệm theo dõi cấp phép, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn quản lý của địa phương. ĐBQH Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm việc thực hiện mục tiêu cải cách hành chính và Nghị quyết 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, công tác thẩm định báo cáo tác động môi trường chứa đựng những lỗ hổng tiêu cực, báo cáo được thực hiện một cách sơ sài mà vẫn được thông qua. Do đó, đề nghị, kết hợp giữa 2 phương án là giao cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định báo cáo, quá trình thẩm định phải có sự tham gia và thống nhất của UBND cấp tỉnh nơi triển khai dự án; nâng cao, cải tiến thủ tục đánh giá tác động môi trường theo hướng nang cao tính độc lập khách quan của hội đồng thẩm định, thành viên của hội đồng thẩm định.

Theo daibieunhandan.vn
Cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV: Đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động bảo vệ môi trường