Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Từ trận đánh phủ đầu đến hành trình bạt núi đưa khí tài đến Điện Biên Phủ

(BKTO) - Trong ký ức của những người lính, cuộc chiến ấy là chuỗi những kỷ niệm của hơn 170 ngày đêm nơi Tây Bắc xa xôi, bắt đầu từ trước ngày 20/11/1953 - khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và kết thúc sau ngày 07/5/1954 - khi toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch đầu hàng.




Mở đường đến chiến trường - Ảnh tư liệu

Giải phóng thị xã Lai Châu

Tương quan lực lượng trước mùa khô 1953-1954, ta thua thiệt quân Pháp về mọi mặt, từ lực lượng chính quy, vũ khí cũng như tính hiện đại của vũ khí, thiết bị... Tuy nhiên, phía ta lại vượt trội quân Pháp ở tinh thần chiến đấu chống giặc sục sôi trong mỗi người dân. Vào những thời điểm quyết định, mỗi người dân lại trở thành một chiến sĩ, sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, nhờ có đường lối đúng đắn của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã lựa chọn cách đánh phủ đầu, ngay từ khi Pháp lăm le đặt chân xuống Điện Biên Phủ (lúc đó thuộc tỉnh Lai Châu) khiến giặc phải chịu đòn đau choáng váng. Những trận đánh này đã mở màn cho cuộc chiến đấu 56 ngày đêm, đập tan cứ điểm địch.

Ngày 06/12/1953, quân Pháp được tin Đại đoàn 316 của ta đến Tuần Giáo. Ngày 07/12, địch bắt đầu rút bộ phận đầu tiên của 3 tiểu đoàn đóng tại thị xã Lai Châu về Mường Thanh bằng máy bay. Từ đây, những trận đánh phủ đầu của quân ta trở thành đòn giáng vào tham vọng của Pháp, khi cố gắng đưa quân chiếm Điện Biên Phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, ta giải phóng hoàn toàn thị xã Lai Châu vào ngày 13/12/1953.

Ông Vũ Thế Châu (Đại đội trưởng c674, d251, e174, f316) nhớ lại, khi đội của ông đang trên đường từ Tuần Giáo (lúc này thuộc Lai Châu) về Điện Biên Phủ thì nhận lệnh “bẻ ghi”, đánh địch rút từ Lai Châu. Đồng chí Bế Văn Đàn - Tiểu đội trưởng liên lạc của tiểu đoàn - được phái xuống để thông báo chủ trương phải chặn đánh địch cho bằng được. Sớm 12/12, qua dấu vết lừa thồ hàng, phát hiện dấu địch đã đi qua thị xã, chúng tôi phải lựa địa hình, đi tắt chặn địch. Cuộc chiến ác liệt diễn ra tại Mường Pôn, ba đại đội biệt kích địch giằng co với một đại đội của ta nhưng thất thế. Địch gọi quân cứu viện giải vây hòng thoát về “lòng chảo” nhưng không thành, dù có máy bay B26 yểm trợ. Sáng 13/12, c317 đến tiếp sức cho c674 tiêu diệt toàn bộ địch ở Mường Pôn. Tuy nhiên, lực lượng ta cũng tổn thất, trong đó, đồng chí Bế Văn Đàn đã anh dũng hy sinh khi nâng giá súng cho đồng đội.

Còn cựu chiến binh Phạm Quang Vinh (nguyên Chủ nhiệm chính trị, Phó chính ủy e98, f316) kể lại: Ông được giao nhiệm vụ dẫn Tiểu đoàn 439 đổi hướng giải phóng thị xã Lai Châu. Muốn đến đây, đoàn phải qua đèo Clavo. Tại đây, ông và đồng đội đã hạ một đồn ngụy trước khi tiến về thị xã Lai Châu. Chỉ sau 2 ngày, ta đã làm chủ thị xã, bắt khoảng 300 tù binh. Tiếp quản thị xã một thời gian, ông bàn giao nhiệm vụ tiếp quản cho đơn vị khác và tiến về Điện Biên Phủ.

Sau nhiệm vụ giải phóng thị xã Lai Châu, các lực lượng của ta bước vào giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, chính thức nổ ra từ chiều 13/3/1954.

Tất cả cho tiền tuyến…

Càng gần đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, không khí chuẩn bị cho cuộc đại chiến càng khẩn trương trong toàn quân, toàn lực lượng. Công tác hậu cần được quan tâm đặc biệt để sẵn sàng cho tiền tuyến. Từ cuối năm 1953, ông Trần Thịnh Tần (nguyên cán bộ Tổng cục Cung cấp tiền phương, nay là Tổng cục Hậu cần), khi đó đang là Trung đội trưởng bộ binh của e165, f312 thì được điều động sang Tổng cục Cung cấp tiền phương nhằm chuẩn bị cho chiến trường Điện Biên Phủ. Nguồn lương thực cho tiền tuyến được huy động từ các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, đặc biệt là thóc của đồng bào ủng hộ. Sau khi tiếp nhận, Tổng cục quyết định thành lập “đội quân phó cối” ngay tại chiến trường Điện Biên, chuyển hàng nghìn tấn thóc thành gạo. “Đội quân phó cối còn tranh thủ đóng thêm nhiều cối xay để tặng đồng bào. Tiếng lành đồn xa, bà con từ nhiều bản làng cũng tìm đến hiến lương thực và khen ngợi bộ đội Cụ Hồ không chỉ đánh trận giỏi mà còn giúp đồng bào cải thiện cuộc sống” - ông Tần kể.

Kéo lựu pháo 105mm vào chiến trường Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu

Cựu chiến binh Ung Răng (nguyên Tiểu đoàn trưởng d444, e151(công binh), f351) nhớ lại kỷ niệm về chiến trường với những ngày khoét núi, mở đường. “Đơn vị của tôi xuất quân lên Tây Bắc cuối tháng 10/1953, nhiệm vụ ban đầu là mở đường số 41 qua Cò Nòi lên Lai Châu. Đến gần Sơn La thì nghe tin địch nhảy dù vào Điện Biên Phủ. Khi đó, cấp trên chỉ thị dừng công việc hiện tại để mở đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ”. Vượt qua mọi sự truy kích, phá hoại của máy bay địch, đến đầu tháng 12/1953, đơn vị đã hoàn thành 60km đường. Pháo bắt đầu vào để chuẩn bị cho cuộc nổ súng ngày 25/01/1954.

Còn với cựu chiến binh Nguyễn Huyên (nguyên Chính trị viên phó c54, d106, e151, f351), những ngày tham gia xây dựng trận địa pháo là thời gian cực kỳ gian khổ nhưng rất tự hào đối với mỗi người lính làm công tác này. Trong đó, hầm lựu đạn pháo 105 ly là một sáng tạo của công binh ta. “Chúng tôi bạt sườn núi về phía địch thành vách đứng rồi khoét hang đủ to để khi xếp pháo lại có thể đẩy lùi cả khẩu pháo vào cất giấu. Mỗi trận địa đều có một hầm bắn, hầm lui pháo về phía sau, hầm đạn, hầm trực chiến, hầm chỉ huy. Các hầm được nối thông nhau bằng đường hào để tiện di chuyển, hội họp”.

Ông Đỗ Sâm (chiến sĩ trinh sát, e45 (lựu pháo 105mm), f351) kể rằng, đầu năm 1953, ông cùng đồng đội nhận được lệnh mang pháo từ Trung Quốc về nước. Tổng cộng 20 khẩu pháo, mỗi khẩu nặng 2 tấn, mỗi xe nặng 2 tấn. Về tới sông Nậm Thi, định đưa pháo và xe ô tô lên tàu về xuôi nhưng phát hiện mọi cây cầu đã bị phá, Đoàn phải vòng qua huyện Bảo Hà, rồi tháo dời từng khẩu pháo, từng chiếc xe ra thành nhiều bộ phận để chuyển xuống bè nứa xuôi sông Hồng về bến Âu Lâu (đầu thị xã Yên Bái). “Tối tối, không có máy bay địch thì chúng tôi bắt đầu đi xuyên đêm. Sơ kết giai đoạn 1, chúng tôi đưa được 20 khẩu pháo cùng hàng nghìn đạn pháo với hầu hết khí tài, trang thiết bị nhẹ an toàn từ biên giới Lào Cai về căn cứ địa”. Ông bảo, giai đoạn đầu, việc đưa pháo, khí tài vất vả một thì đến giai đoạn chuyển pháo đến chiến trường lại gian khổ gấp mười. Hành trình đưa pháo từ Yên Bái đến Điện Biên Phủ, lúc thì đi dưới sông, lúc bò trên lưng núi, lúc cheo leo sườn dốc... nhưng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn cũng đã hoàn thành nhiệm vụ với cách làm sáng tạo.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích (nguyên Trung đoàn phó e367 (pháo cao xạ), f351) kể lại, khi trực tiếp trao nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Đưa được xe, pháo đến đích an toàn, bí mật thì coi như đã đạt được 60% thắng lợi”. Lời căn dặn của Đại tướng vừa là mệnh lệnh đồng thời cũng là nguồn động viên tiếp thêm sức mạnh, ý chí để những người lính quả cảm trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa hoàn thành nhiệm vụ đưa pháo vào chiến trường.

Bài và ảnh: PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Cùng chuyên mục
  • Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải:  Biểu tượng của khát vọng hòa bình
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Gần 50 năm sau ngày thống nhất, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, từng mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước. Nơi đây từng có những trận chiến ác liệt trong mưa bom, bão đạn và cũng có những trận chiến ác liệt nhưng không một tiếng súng... Vượt qua chiến tranh, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải hôm nay trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình, đất lửa Quảng Trị đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường hội nhập, phát triển.
  • Đưa “rồng lửa” vượt Trường Sơn,  qua đất Lào đi giải phóng miền Nam
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngay sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972, Trung đoàn 263 Tên lửa Phòng không chúng tôi đã được cấp trên ra lệnh nhanh chóng “Nam tiến” vào bảo vệ vùng trời giải phóng tỉnh Quảng Trị trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào ngày 27/01/1973.
  • Sửa đổi chính sách, tăng quyền lợi  cho người lao động
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thực tiễn triển khai cho thấy, Bộ luật Lao động hiện hành đang có những quy định gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng lao động của DN, cũng như chưa đảm bảo hết các quyền lợi của người lao động (NLĐ). Do đó, việc sửa đổi chính sách cho phù hợp, đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho NLĐ đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
  • Để mọi người lao động đều có “lưới đỡ”  an sinh…
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đảm bảo an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, việc mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) - trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội - là một trong những điều kiện tiên quyết để mọi người lao động đều có “lưới đỡ” an sinh và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
  • Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.
Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Từ trận đánh phủ đầu đến hành trình bạt núi đưa khí tài đến Điện Biên Phủ