Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức.
Tham dự lễ kỷ niệm có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố và đại biểu tỉnh Điện Biên khoảng 900 người.
Sự kiện còn có sự tham dự của 270 đại biểu quốc tế, phóng viên báo chí nước ngoài, trong đó có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Chansamose Chanyalath; Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun; Bộ trưởng Bộ Quân đội và Quốc vụ khanh phụ trách về Cựu chiến binh và Ký ức chiến tranh của Pháp...
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ đọc diễn văn kỷ niệm; phát biểu của đại diện chiến sỹ Điện Biên; phát biểu của đại diện thế hệ trẻ; nghi lễ trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho tỉnh Điện Biên.
Tham gia Lễ diễu binh, diễu hành có 4 lực lượng: Lực lượng pháo lễ, Lực lượng Không quân bay chào mừng, lực lượng diễu binh, diễu hành, Lực lượng đứng trên sân hơn 12.000 người.
Chương trình Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước CHXHCN Việt Nam. Sau đó là phần trình diễn của 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài. Tiếp đó là phần diễu binh, diễu hành. Tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm có toàn bộ 51 khối, trong đó 16 khối quân đội, 8 khối công an, còn lại 27 khối là các lực lượng khác như: Cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, trí thức…
Trong đó điểm nhấn của Lễ diễu binh, diễu hành là có sự tham gia của Lực lượng pháo lễ gồm 18 khẩu lựu pháo 105 và 12 máy bay trực thăng bay qua khán đài của Lực lượng Không quân.
Cách đây 70 năm trước, vào ngày 7/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, bắt sống tướng chỉ huy De Castries, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược kéo dài suốt 56 ngày đêm.
Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là một trong những đỉnh cao chói lọi, được ghi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954), công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia./.
Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, TP. Điện Biên Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử". Chương trình nghệ thuật 3 chương gồm: Toàn dân ra trận, Khúc tráng ca thế kỷ XX và Điểm hẹn hòa bình. Qua đó, giúp khán giả có cơ hội cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị, tầm vóc của chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".