Nhiều yếu tố thuận lợi tạo “lực đẩy”
Nhìn lại bức tranh DN năm 2024, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - chia sẻ, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 được dự báo sẽ đạt mục tiêu 7% đã đặt ra. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc kỷ lục gần 800 tỷ USD với mức xuất siêu gần 25 tỷ USD. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, bão lũ. Kết quả trên có được, bên cạnh sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ không thể không nhắc đến sự kiên cường, bền bỉ và những nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN.
Theo Bộ Công Thương, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm Đổi mới, gần 800 tỷ USD, tăng 15%, vượt gần 3 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao (khoảng 6%). Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh DN cũng còn có những gam “màu xám”. Nổi bật là, trong năm 2024, bình quân một tháng có khoảng 20.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có khoảng 17.000 DN rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ DN gia nhập thị trường so với DN rút lui khỏi thị trường còn thấp, tỷ lệ này chỉ cao hơn thời điểm năm 2021 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Điều đó cho thấy, tinh thần khởi sự kinh doanh trong cộng đồng DN vẫn chưa đạt được mức độ tăng trưởng như trước dịch Covid-19. Một điểm quan ngại nữa đó là quy mô vốn đăng ký của các DN thành lập mới khá thấp so với những năm trước, điều này dẫn đến thực trạng năng lực cạnh tranh dựa trên yếu tố vốn của DN Việt ngày càng hạn chế. Sự hạn chế về vốn sẽ khiến các DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và khi đó nếu DN không lớn mạnh được thì sẽ dễ bị “thâu tóm” bởi các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A)…
Bước sang năm 2025, theo chuyên gia kinh tế PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, có một số yếu tố tích cực tác động đến hoạt động của cộng đồng DN. Cụ thể, về yếu tố bên ngoài, trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với hàng hoá của một số nước như Trung Quốc, Mexico, Canada…, khi đó hàng hóa của các DN Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác khi xuất khẩu vào Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Cùng với đó, tại các thị trường lớn khác như khu vực châu Âu, lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm kéo theo sức mua sẽ tăng trở lại, từ đó sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá, trong đó có hàng hoá của Việt Nam…
Trong khi đó, những yếu tố thuận lợi ở trong nước được TS. Nguyễn Quốc Việt chỉ ra đó là Đảng, Nhà nước đang quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các cải cách về thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn của môi trường kinh doanh, cùng với đó là thực hiện cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đem đến kỳ vọng về việc tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho cộng đồng DN. Cùng với đó, Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, theo đó, với hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, kết nối hợp tác kinh doanh của các DN. Ngoài ra, với nền tảng là Việt Nam đã tham gia một mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc mở rộng, nâng cấp quan hệ đối ngoại với các nước, Việt Nam tiếp tục trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn lớn của nước ngoài, điều này sẽ giúp các DN Việt có cơ hội tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu mới trong các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn…
Khó khăn, thách thức cũng không nhỏ…
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi nhất định, theo các chuyên gia, những khó khăn, thách thức mà các DN phải đối mặt trong năm 2025 cũng là không nhỏ. Cụ thể, với độ mở của nền kinh tế lên đến gần 200% GDP, cộng đồng DN sẽ chịu tác động rất lớn từ tình hình thế giới, trong khi đó các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang ở một số khu vực vẫn diễn biến căng thẳng, khó lường, có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của DN.
Bên cạnh đó, với việc Mỹ dự kiến sẽ đánh thuế cao đối với hàng hoá nhập khẩu từ một số nước vừa đem đến cơ hội nhưng đồng thời cũng có thể là nguy cơ Việt Nam bị các nước sử dụng làm “trạm trung chuyển” để xuất khẩu hàng hoá vào Mỹ nhằm né thuế cao, khi đó các sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam sẽ có nguy cơ cao bị Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Mặt khác, Việt Nam có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80 - 90% sẽ chịu những tác động của sự biến động tỷ giá, trong khi chỉ số giá USD đã tăng khá cao trong năm 2024 và vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Đặc biệt, các thị trường lớn trên thế giới có xu hướng đặt ra ngày càng nhiều quy định, tiêu chuẩn mới liên quan đến sản xuất xanh, sạch như là một yêu cầu bắt buộc đối với các hàng hoá nhập khẩu, đã và đang tạo nên sức ép rất lớn đối với DN trong việc đáp ứng yêu cầu của các thị trường để có thể duy trì được đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động như: Khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế; chi phí một số nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến DN gặp khó khăn khi cạnh tranh về giá bán và giảm sức cạnh tranh của DN…
Trong bối cảnh dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, các chuyên gia khuyến nghị cộng đồng DN cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế cả trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường nội địa và xuất khẩu, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro tốt hơn để “về đích” các kế hoạch, mục tiêu của năm 2025./.