Năm 2024: Sự khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới
TTCK Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của TTCK khu vực. Tính đến giữa tháng 12/2024, Vn-Index tăng 11,74% lên 1262,6 điểm. Dù vậy, nhìn chung cả năm 2024, TTCK đã trải qua nhiều nhịp tăng giảm đan xen, hình thành xu hướng side-way trên diện rộng. Một mặt, Vn-Index nhận được hỗ trợ từ kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, mặt bằng lãi suất thấp cùng định giá hấp dẫn; mặt khác, Vn-Index đã chịu áp lực rất lớn từ lượng bán ròng của khối ngoại.
Bối cảnh vĩ mô tạo ra nhiều điểm sáng đối với TTCK. Tăng trưởng GDP của Việt Nam hồi phục tích cực, 3 quý đầu năm tăng 6,82% YoY (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tăng trưởng cả năm có thể vượt 7%) nhờ sự trở lại của động lực xuất khẩu (tăng trưởng xấp xỉ 15% trong 11 tháng đầu năm). 31 Luật được thông qua trong cả năm - khối lượng Luật thông qua lớn nhất trong 10 năm trở lại đây - tạo ra môi trường pháp lý ổn định. Trong khi đó, các chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục được thực hiện theo hướng mở rộng, mặt bằng lãi suất thấp, các chính sách giảm thuế phí được duy trì, tạo điều kiện cho dòng tiền vào TTCK. Giá trị giao dịch trung bình trên HOSE tính đến hết tháng 11/2024 đạt xấp xỉ 19.000 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2023. Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện nhờ các thông tin tích cực như triển vọng nâng hạng rõ ràng hơn sau khi Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành đã gỡ bỏ yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Ngược lại, TTCK năm 2024 chứng kiến áp lực từ lượng bán ròng lớn của khối ngoại. Tính đến hết tháng 11/2024, tổng lượng bán ròng của khối ngoại đạt gần 90.000 tỷ đồng. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất chậm hơn kỳ vọng và chậm hơn các Ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn khác như: NHTƯ châu Âu (ECB), NHTƯ Anh (BoE), NHTƯ Canada (BoC) cùng những lo ngại về chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giúp đồng USD neo cao trong suốt cả năm 2024. DXY-Index mạnh lên khiến dòng vốn ngoại có xu hướng rời khỏi các thị trường cận biên và các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những lý do khiến Vn-Index vẫn chưa vượt được ngưỡng 1.300 điểm trong năm 2024.
Dù vậy, BVSC vẫn nhìn nhận năm 2024 là một năm khởi đầu cho chu kỳ tăng trưởng mới. Các NHTƯ lớn hạ lãi suất tạo triển vọng tăng trưởng dài hạn cho TTCK toàn cầu. Trong nước, sự hoàn thiện về môi trường pháp lý với khối lượng luật được thông qua rất lớn, sự thúc đẩy của nâng cấp hạ tầng giao thông đồng bộ, sự ổn định về nhân sự và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng trong các giai đoạn tới là những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của TTCK trong dài hạn.
Cơ hội cho năm 2025
Năm 2025, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, sự hỗ trợ từ các chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng và các gói tài khóa được tung ra, triển vọng dòng tiền ngoại quay trở lại nhờ nâng hạng, định giá hấp dẫn và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Về tăng trưởng kinh tế, mặc dù xuất khẩu khó duy trì đà tăng như năm 2024, nhưng GDP Việt Nam kỳ vọng vẫn đạt mức tăng trưởng 6,5-7% với sự quay trở lại của các động lực tăng trưởng kinh tế trong nước, đầu tư công được đẩy mạnh, đầu tư tư nhân và tiêu dùng hồi phục nhờ môi trường chính trị ổn định hơn. Với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì theo hướng mở rộng trong năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp.
Về dòng vốn ngoại, năm 2025, BVSC kỳ vọng TTCK Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của FTSE và được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai. Đây là cơ sở để kỳ vọng hút thêm dòng tiền ngoại vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Ngược lại, dòng tiền trong nước chưa có nhiều động lực mới. Do tổng hòa nhiều yếu tố, TTCK năm 2021 đã thu hút được lượng lớn tiền của nhà đầu tư trong nước, tuy nhiên từ đó tới nay chưa xuất hiện các yếu tố giúp dòng tiền nội có thể cải thiện.
Về định giá, định giá rẻ sẽ là điểm tựa cho TTCK, với mặt bằng P/E năm 2025 là 12,8 lần và P/B năm 2025 là 1,45 lần đều ở mức rất thấp trong lịch sử và hấp dẫn so với khu vực. Bên cạnh đó, triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết với nhiều nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tốt và hồi phục tích cực trong năm 2025, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm BVS80 kỳ vọng sẽ được duy trì và đạt 15,7%. Với mức định giá còn hấp dẫn, lợi nhuận doanh nghiệp duy trì tăng trưởng trong năm 2025, BVSC dự báo Vn-Index hướng đến vùng điểm 1.400-1.450 trong năm 2025.
Tuy nhiên, TTCK năm 2025 vẫn không loại trừ một số rủi ro, bao gồm khả năng Fed chậm cắt giảm lãi suất, Mỹ thay đổi chính sách thuế quan, cũng như áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và rủi ro nợ xấu ngân hàng gia tăng. Những rủi ro này nếu xảy ra có thể ảnh hưởng tới khả năng đạt được vùng mục tiêu 1.400-1.450 điểm của Vn-Index.
Đối với cơ hội đầu tư trong năm 2025, BVSC nhìn nhận ba chủ đề đầu tư chính bao gồm: Nhóm ngành theo chu kỳ tăng trưởng mới, Nhóm hồi phục và Nhóm có định giá rẻ. Nhìn vào các cơ hội cụ thể, Nhóm chu kỳ tăng trưởng mới bao gồm: Hạ tầng (Nhà thầu công trình hạ tầng, dự án điện, thép công trình, Bảo hiểm công trình), khu công nghiệp (xu hướng dịch chuyển FDI), dầu khí thượng nguồn (các dự án dầu khí lớn được triển khai nhằm đảm bảo an ninh năng lượng), công nghệ thông tin, viễn thông (xu hướng trung tâm dữ liệu, AI). Nhóm hồi phục gồm các ngành: Dầu khí hạ nguồn, bất động sản, thép xây dựng, và bán lẻ - tiêu dùng. Nhóm định giá rẻ bao gồm các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng./.