Lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần
Ngày 21/6, tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: NHNN điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh nhiều thách thức: Lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn khó lường. Doanh nghiệp (DN) trong nước gặp nhiều khó khăn...
Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, DN và người dân, từ tháng 3 đến tháng 6/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm.
Cụ thể: NHNN quyết định giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Trong một vài ngày tới, NHNN sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại để chỉ đạo các ngân hàng nâng cao trách nhiệm với nền kinh tế, tiếp tục cắt giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Tác động của chính sách bao giờ cũng có độ trễ, nhưng trong điều kiện DN còn đang khó khăn thì điều quan trọng là phải có các giải pháp kịp thời để rút ngắn độ trễ của chính sách.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).
Tín dụng tăng 3,36% so với cuối năm 2022
NHNN đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cũng được kiểm soát chặt chẽ. NHNN cũng đã tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đến ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, vừa qua, thanh khoản của của hệ thống TCTD khá dồi dào. Điều này đồng nghĩa với việc vốn cung ứng cho nền kinh tế không thiếu; các dự án, lĩnh vực cần vốn đảm bảo khả năng trả nợ đều có thể vay vốn.
Ngay từ tháng 02/2023, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng. Mục tiêu tín dụng của NHNN năm 2023 là 14-15% và NHNN vẫn kiên định thực hiện mục tiêu này từ nay đến cuối năm.
“Hạn mức cho vay của các ngân hàng còn rất nhiều. Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nhưng vì sao sự hấp thụ vốn của DN bị chững lại. Đây là vấn đề có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngân hàng và DN cùng tìm giải pháp để có được tiếng nói chung”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt vấn đề./.