Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Tỉnh ủy Lâm Đồng và đề nghị Tỉnh cần xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Quán triệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên bằng bàn tay, khối óc, bằng sức mạnh nội sinh, bằng con người, bằng thiên nhiên, bằng truyền thống lịch sử, văn hóa, bằng các nguồn vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác công tư, không trông chờ, ỷ lại, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa thế mạnh để phát triển mạnh, bao trùm, xanh, hài hòa, bền vững.
Coi trọng an sinh xã hội, chú trọng phát triển đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi. Dứt khoát không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Lâm Đồng phải là động lực, là trung tâm tăng trưởng của vùng Tây Nguyên, nhất là về du lịch, dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao.
Tổ chức sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến để lan tỏa cho các địa phương khác.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực hợp lý; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, cải cách hành chính hơn nữa.
Về các giải pháp cụ thể, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, điều kiện tự nhiên. Phải xác định Lâm Đồng là động lực, là cực tăng trưởng của Tây Nguyên, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Phát triển du lịch, dịch vụ phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ thống giáo dục đào tạo, huy động tối đa nguồn lực sẵn có, nhất là trong các lĩnh vực có tiềm năng như ngành du lịch, dịch vụ, logicstic. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh chế biến sau thu hoạch, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia, kiểm soát tốt thị trường, giá cả.
Nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước, tăng thu, tiết kiệm chi, phân bổ nguồn lực hợp lý. Phấn đấu tự chủ ngân sách vào năm 2024.
Làm tốt công tác quy hoạch. Thúc đẩy tiến trình đô thị hóa để tạo ra không gian phát triển mới. Tập trung phát triển đô thị, dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án, công trình trọng điểm (như các tuyến cao tốc: Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương).
Nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương và Khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP...
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đối thoại, thúc đẩy hợp tác công tư. Thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.../.