Lạm phát đang là nỗi ám ảnh của nhiều nền kinh tế trên thế giới

(BKTO) - Theo những nghiên cứu mới được công bố, lạm phát tại Tokyo (Nhật Bản) đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm qua, còn các gia đình tại Anh cũng đang điêu đứng trong khủng hoảng sinh hoạt phí kéo dài. Trong khi đó, khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dự kiến sẽ lương tăng rất mạnh trong những tháng tới để bắt kịp với lạm phát. Hiện cơn bão lạm phát vẫn đang là nỗi ám ảnh của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Lạm phát tại Tokyo cao nhất trong hơn 40 năm

nhat-ban-lam-phat-reuters.jpg
Lạm phát tại Tokyo tăng liên tiếp 16 tháng - Nguồn: Reuters

Ngày 10/01, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) công bố báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng tại 23 quận thuộc thủ đô Tokyo trong tháng 12/2022 là 4%, mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.

Theo đó, giá tiêu dùng tại Tokyo tăng chủ yếu do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng và ảnh hưởng của đồng yen giảm giá so với USD. Các mặt hàng ghi nhận mức tăng cao là giá khí đốt (36,9%), điện (26%), thiết bị điện thoại di động (22,1%), các mặt hàng lâu bền dùng trong gia đình (11%) và giá lương thực (không tính các mặt hàng tươi sống (7,5%).

Đây là tháng thứ 16 liên tiếp lạm phát tại Tokyo tăng và là tháng thứ 7 liên tiếp tăng cao hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Chi phí lưu trú chịu ảnh hưởng của chính sách kích cầu du lịch của Chính phủ Nhật Bản trong giai đoạn từ tháng 10-12/2022, ghi nhận mức giảm 15,3%.

Dữ liệu lạm phát ở thủ đô Tokyo được sử dụng để tính toán chỉ số lạm phát hàng đầu trên toàn quốc. Theo chuyên gia kinh tế Ueno Yasunari tại công ty chứng khoán Mizuho, trên cơ sở lạm phát tại Tokyo, khả năng cao lạm phát lõi tại Nhật Bản trong tháng 12/2022 sẽ tăng ở mức 4% so với cùng kỳ năm 2021.

BoJ khả năng sẽ phải điều chỉnh dự báo chỉ số vật giá tại Nhật Bản giai đoạn 2022-2024 trong báo cáo triển vọng tình hình kinh tế vật giá Nhật Bản sẽ được công bố ngày 18/01 tới.

Thu nhập của các gia đình tại Anh có thể giảm 2.000 bảng/năm

anh-cnbc(1).jpeg
Dự báo thu nhập trung bình của các gia đình tại Anh sẽ thấp hơn mức trước đại dịch cho đến năm 2027-2028
Nguồn: CNBC

Theo báo cáo Triển vọng chất lượng cuộc sống năm 2023 của nhóm tư vấn Resolution Foundation, các gia đình tại Anh đang trong cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí kéo dài hai năm, với thu nhập có thể giảm trên 2.000 bảng (2.439 USD)/năm.

Thu nhập khả dụng của các gia đình trong độ tuổi lao động có thể giảm 3% trong tài khóa này (kết thúc tháng 04/2023) và giảm 4% trong tài khóa tới.

Chỉ thu nhập của những người giàu nhất sẽ tăng, trong khi các gia đình có thu nhập trung bình chỉ đủ sống sau khi thu nhập giảm 2.100 bảng.

Dự báo trên được đưa ra sau một loạt cuộc biểu tình của người lao động đòi tăng lương lên với tốc độ gần theo kịp mức lạm phát trung bình 10,7%.

Resolution Foundation đề cập đến việc lạm phát toàn phần có thể giảm sau khi giá xăng và dầu trên toàn cầu giảm, nhưng sinh hoạt phí vẫn cao đối với nhiều gia đình.

Hóa đơn năng lượng được dự báo sẽ tăng sau khi chính phủ giảm mức hỗ trợ, đưa hóa đơn tiền điện mỗi ngày tăng từ 2.000 bảng trong tài khóa 2022-2023 lên 2.850 bảng trong tài khóa 2023-2024.
Giá bán buôn xăng dầu giảm có thể giảm chi phí hỗ trợ của Bộ Tài chính dành cho các doanh nghiệp và các gia đình, nhưng các hợp đồng dài hạn sẽ tiếp tục khiến giá bán lẻ vẫn cao ít nhất là trong năm nay.

Việc đóng băng ngưỡng chịu thuế thu nhập sẽ làm tăng tiền thuế của các gia định có thu nhập trung bình khoảng 700 bảng từ tháng 04/2023, trong khi lãi suất thế chấp tăng sẽ làm giảm 12% thu nhập hàng năm trong khoảng hai năm đối với 3 triệu gia đình đang phải đảo nợ.

Theo báo cáo, những yếu tố trên sẽ khiến thu nhập trung bình của các gia đình sẽ dưới mức trước đại dịch cho đến năm 2027-2028.

Khu vực Eurozone tăng lương để bắt kịp lạm phát

ecb.jpg
ECB dự báo Khu vực Eurozone sẽ chứng kiến lương tăng rất mạnh trong tháng tới             Ảnh minh họa

Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 09/01, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ chứng kiến lương tăng rất mạnh trong tháng tới để bắt kịp với lạm phát.

Theo báo cáo, các thị trường việc làm mạnh sẽ đưa đến việc lương tối thiểu tăng và yêu cầu tăng lương của các nghiệp đoàn cũng sẽ gây thêm sức ép.

Trong tháng 12/2022, lạm phát tại Eurozone đã giảm xuống dưới 10%, sau 18 tháng tăng liên tục. Tuy nhiên, báo cáo giải thích rằng lương thực tế giảm đáng kể so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch, do lạm phát làm giảm sức mua, với tăng trưởng lương hàng năm của quý II/2022 ở Eurozone là 5,2%.

Lĩnh vực dịch vụ đi ngược xu hướng, khi mức lương vượt so với trước đại dịch, do tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Các nghiệp đoàn lao động được cho là sẽ thúc đẩy việc tăng lương, đặc biệt là trong các lĩnh vực có mức lương thấp hơn.

Tháng 12/2022, ECB nhận định lương sẽ tăng 5,2% trong năm 2023, sau khi tăng 4,5% trong năm 2022.

Phó Chủ tịch ECB, Luis de Guindos, dự báo lương tăng sẽ không dẫn tới vòng xoáy lương giá, nhưng nhấn mạnh ECB cần thận trọng trong các dự báo về lạm phát.

Trong dài hạn, ECB cho rằng đà tăng trưởng lương sẽ vấp phải những trở ngại như nền kinh tế giảm tốc và sự thiếu chắc chắn về triển vọng của nền kinh tế, một phần do xung đột tại Ukraine.

Cùng chuyên mục
Lạm phát đang là nỗi ám ảnh của nhiều nền kinh tế trên thế giới