Làm rõ những bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật về quy hoạch

(BKTO) – Tiếp tục chương trình làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, sáng ngày 03/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc.



Đại diện KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tham dự buổi làm việc.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

   

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ lập hai quy hoạch cấp quốc gia là Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia và 6 quy hoạch ngành quốc gia gồm: Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Đến nay, Bộ đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Quốc hội khóa XV thông qua năm 2021; Quy hoạch không gian biển quốc gia dự kiến đúng tiến độ. Trong 06 quy hoạch ngành quốc gia, Bộ đã hoàn thành Quy hoạch về tài nguyên nước; 03 quy hoạch dự kiến hoàn thành trong tháng 11-12/2022; 01 quy hoạch dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2023 và Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản chưa rõ thời hạn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động tham gia góp ý thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia, 06 quy hoạch vùng trong cả nước; phối hợp góp ý lập quy hoạch 15/63 tỉnh, thành phố; thẩm định 13 hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận sự cố gắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, khi là Bộ được giao thực hiện tới 2 quy hoạch quốc gia và 6 quy hoạch ngành quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quyết tâm, trách nhiệm nên đã hoàn thành một quy hoạch quốc gia đầu tiên, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quy hoạch.

Theo các đại biểu, việc xây dựng song song, đồng thời các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia là một thách thức đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Song, đây là những quy hoạch rất quan trọng, tạo cơ sở cho nhiều quy hoạch quốc gia, cũng như quy hoạch của các ngành khác, nên Bộ cần lãnh đạo tập trung, có phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp với các Bộ, ngành để đánh giá tác động nhiều mặt.

Liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện luật, một số ý kiến đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ chất lượng các văn bản được ban hành, chất lượng công tác tham mưu, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong văn bản quy định chi tiết, bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính…
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

   

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, với tư cách là thành viên của Đoàn giám sát, KTNN đã tích cực bổ sung các nội dung, mục tiêu kiểm toán vào các cuộc kiểm toán cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để phục vụ Đoàn giám sát. Theo đó, KTNN đã phát hành một số báo cáo kiểm toán và có báo cáo gửi Đoàn giám sát về kết quả kiểm toán cuối năm 2021, đầu năm 2022 của các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện công tác quy hoạch. Trong đó, KTNN đã đưa ra một số đánh giá về công tác tham mưu của các Bộ, ngành, địa phương cũng như công tác triển khai các nhiệm vụ để thực hiện Luật Quy hoạch.

Cơ bản thống nhất với những đánh giá về những kết quả đạt được và những mặt chưa làm được trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, song Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ trách nhiệm của Bộ trong ban hành các văn bản sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực; trách nhiệm của bộ phận, của cá nhân, tập thể trong quá trình tham mưu xây dựng các văn bản đó. Đồng thời, Bộ cần tổng kết những khó khăn trong ban hành văn bản và có hướng đề xuất cần ban hành văn bản nào, nội dung gì cụ thể để Đoàn giám sát có cơ sở, dữ liệu đánh giá.

Liên quan đến trách nhiệm quy hoạch về khoáng sản, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, cùng với trách nhiệm của các Bộ, ngành khác như Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có đề xuất về trách nhiệm của Bộ trong việc lập quy hoạch khoáng sản cũng như chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua.

Đặc biệt, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, để thuận lợi trong quá trình xây dựng quy hoạch một cách đồng bộ trên cả nước thì cần phải có công bố công khai các dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về sử dụng đất. “Hiện nay, chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất chưa làm trong khi quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt rồi. Vì vậy, đề nghị Bộ có giải pháp để công khai các chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất vì đây là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng ảnh hưởng đến các quy hoạch khác” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.
                
   

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

   

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ rõ một số nội dung trong báo cáo cần được làm rõ như: căn cứ lập các quy hoạch quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ khi chưa có quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm phù hợp thống nhất giữa các quy hoạch khi được thực hiện song song. Đồng thời, đánh giá thêm về Luật Quy hoạch, hệ thống pháp luật về quy hoạch, những bất cập, thiếu hướng dẫn, chồng lấn giữa các văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị nêu rõ đề xuất kiến nghị, có cần sửa đổi luật hay không và nếu sửa thì kiến nghị cụ thể sửa đổi luật nào.

Về tích hợp quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc tích hợp trong quy hoạch tỉnh chưa có quy định cụ thể về nội dung tích hợp, bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu khi tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung khó, trong quá trình làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ đều có nêu vấn đề này. Vì vậy, đề nghị Bộ báo cáo rõ hơn, trong tình trạng thiếu quy định như vậy thì việc thực hiện tích hợp như thế nào, có bảo đảm chất lượng, tính thống nhất. Đồng thời, báo cáo thêm việc rà soát danh mục tích hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; rà soát quy hoạch hết hiệu lực của Bộ.

Đối với một số quy hoạch của Bộ liên quan đến một số Bộ, ngành khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị làm rõ công tác phối hợp thực hiện, phân định phạm vi nội dung; đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện lập các quy hoạch ngành; đánh giá chất lượng tham vấn, thực hiện các cam kết quốc tế; phối hợp chia sẻ thông tin trong lập, thẩm định quy hoạch.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Làm rõ những bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật về quy hoạch