Làm thế nào để minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán?

(BKTO) - Chất lượng thông tin của các công ty niêm yết là mối quan tâm lớn của nhiều chủ thể trên thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt là các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến thông tin và công bố thông tin (CBTT) của các công ty niêm yết đã làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của các nhà đầu tư cũng như tính ổn định của thị trường này.



Khuôn khổ pháp lý chặt, nhưng thực thi lỏng

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán (UBCK), trong năm 2018, có 397 trường hợp (129 tổ chức và 268 cá nhân) vi phạm liên quan đến hành vi thao túng, tạo cung - cầu giả trên TTCK; buộc cải chính thông tin đối với 3 trường hợp báo cáo không chính xác, CBTT sai lệch, buộc từ bỏ quyền biểu quyết đối với 1 trường hợp vi phạm chào mua công khai... Mặc dù tình hình CBTT của các DN trên TTCK đã cải thiện đáng kể so với trước đây nhưng để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, các bên tham gia thị trường vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Phát biểu tại Tọa đàm “Công bố thông tin của DN trên TTCK”, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCK - cho rằng: Về pháp lý, những quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến CBTT tại Việt Nam là theo chuẩn mực quốc tế, thậm chí hơn cả chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, theo thông lệ quốc tế, DN chỉ CBTT hằng quý và hằng năm (có kiểm toán), còn ở Việt Nam, DN niêm yết CBTT hằng quý, 6 tháng soát xét và hằng năm có kiểm toán. Ngoài ra, hệ thống quản lý DN ở quốc tế chủ yếu được thực hiện theo bộ thông lệ, còn Việt Nam đưa vào quy định của pháp luật. Mặc dù khuôn khổ chặt chẽ như vậy nhưng việc thực thi lại có nhiều vấn đề, số DN vi phạm CBTT vẫn còn lớn. Năm 2018, UBCK ban hành gần 400 quyết định xử phạt, trong đó hơn 50% là vi phạm CBTT. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty cũng có những hạn chế, nếu so sánh với ASEAN và ASEAN 6 thì quản trị công ty của chúng ta ở mức thấp nhất.

Theo ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán và Công chứng Australia tại Việt Nam, việc CBTT có thể chia ra thành CBTT về tài chính và thông tin phi tài chính. Về CBTT tài chính, hiện nay trên thị trường có khá nhiều bất cập, từ việc công bố, chất lượng thông tin đến hệ thống về chuẩn mực kế toán không theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, DN niêm yết gặp hạn chế trong việc CBTT tài chính, chất lượng báo cáo tài chính theo đó cũng bị ảnh hưởng. Còn với báo cáo thường niên (bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính), DN thường hướng tới việc làm đẹp báo cáo, vì vậy tính minh bạch, độc lập chưa cao. Ngoài ra, việc CBTT tương lai như cáo bạch và thông tin dự báo để thị trường dựa vào đánh giá lại chưa được bên nào kiểm chứng, chủ yếu dựa trên thái độ tình nguyện của DN. Hiện Việt Nam cũng chưa có quy định khuyến khích DN minh bạch trong vấn đề này.

Đứng trên phương diện kiểm toán, ông Trần Đình Cường - Tổng Giám đốc EY Việt Nam - đánh giá, chất lượng kiểm toán của Việt Nam đã tăng lên rất nhiều trong thời gian qua và chất lượng CBTT theo đó cũng tốt hơn so với trước đây. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang ở vị thế thấp, bởi: thứ nhất, tính tuân thủ, tự giác của các DN Việt Nam chưa cao, một số DN lập các báo cáo chỉ vì quy định, không quan tâm nhà đầu tư cần có những gì, trách nhiệm là người được ủy thác tài sản của các nhà đầu tư phải báo cáo như thế nào; thứ hai, các quy định của pháp luật vẫn có lỗ hổng, không có quy định nào ngay lập tức hạn chế được tất cả hành vi sai phạm, đó là chưa kể đến việc đôi khi quy định của Việt Nam cũng không đồng nhất.

Việc minh bạch thị trường chứng khoán không chỉ dựa vào các công ty kiểm toán

Theo ông Trần Văn Dũng, việc cải thiện chất lượng CBTT - tăng tính minh bạch của thị trường cần một “giải pháp hình quả mít”, nghĩa là muốn đi xa phải đi cùng nhau, đi từ từ và bắt đầu từ nhận thức. DN cố tình che giấu thông tin có thể sẽ đạt được mục đích trong lần đầu phát hành nhưng các lần sau sẽ không thể qua mặt được nhà đầu tư, đó là chưa kể đến việc che giấu không thành công, bị báo chí dồn dập tấn công dẫn đến việc mất uy tín. DN cần phải nhận thức được rằng, càng minh bạch và quản trị tốt thì khả năng chống chịu với khủng hoảng càng tốt hơn.

Về phía pháp luật, cơ quan quản lý có trách nhiệm lớn là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và tổng thể hơn, tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Tới đây, các hình thức xử phạt sẽ tăng lên nhiều, không chỉ tập thể mà cả cá nhân, đồng thời xử lý hình sự cũng sẽ mạnh hơn. Cụ thể: UBCK đang kiến nghị bổ sung vào Luật quy định không được phát hành trong một khoảng thời gian đối với DN niêm yết, công ty đại chúng sai phạm về CBTT. Trong thời gian đó, nếu DN không cải thiện thì sẽ bị phạt không được phát hành. Còn đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ do UBCK cấp phép hoạt động, mức phạt có thể là tạm dừng hoạt động. Đối với cá nhân thuộc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, UBCK sẽ bổ sung hình phạt đối với lãnh đạo và cá nhân hành nghề.

Cũng theo ông Dũng, để nâng cao vai trò của kiểm toán hơn nữa, VN30 (30 công ty niêm yết có giá trị vốn hoá và thanh khoản hàng đầu) cần phải được các công ty kiểm toán trong Big Four thực hiện. Ngoài ra, quy định bản cáo bạch phải có ý kiến của kiểm toán cũng sẽ được cân nhắc bổ sung.

Nêu ý kiến tại Tọa đàm, ông Phan Lê Thành Long đánh giá, sự giám sát từ thị trường nói chung là quan trọng nhất, đặc biệt là nhà đầu tư. Bởi, khi bị thị trường giám sát, các DN sẽ bị đánh vào lợi ích, lúc đó DN sẽ phải có ý thức làm đúng luật. Ngoài ra, truyền thông, báo chí với khả năng điều tra nên đóng vai trò cảnh báo cho nhà đầu tư.

Đối với vấn đề kiểm toán thông tin tài chính của DN, Giám đốc CMA Australia cho rằng, nhà đầu tư cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức để đánh giá bản chất vấn đề, bởi việc kiểm toán ở Việt Nam bị một số giới hạn, trong khi Luật Chứng khoán cũng gặp khó khi đưa ra định nghĩa về các bên liên quan. Đối với riêng việc CBTT cáo bạch hay thông tin dự báo tương lai, cơ quan quản lý nên bổ sung quy định kiểm toán các thông tin đầu vào. Hiện tại, Việt Nam có đủ hành lang pháp lý để làm việc này vì chúng ta đã có chuẩn mực kiểm toán.

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI - kiến nghị thêm: Các nhà đầu tư khi nhìn vào thị trường không phải soi toàn bộ DN mà trước hết sẽ xem nhóm VN30, VN50, VN100. Chúng ta có thể tận dụng điểm này thông qua việc nâng cao các tiêu chuẩn, điều kiện về kiểm toán, CBTT… của các nhóm, từ đó nâng cao tính minh bạch, tạo ra một hình mẫu cho thị trường. Theo đó, tất cả DN không đạt tiêu chuẩn, sai phạm trong CBTT sẽ bị loại khỏi nhóm, tạo nên sự cạnh tranh và nỗ lực buộc các DN khác phải làm theo, giống như việc chúng ta kêu gọi niêm yết trước đây.

Các chuyên gia đều cho rằng, UBCK cần có vai trò lớn hơn nữa đối với thị trường và có những phản ứng nhanh, kịp thời hơn. UBCK càng tăng cường kiểm tra giám sát thì càng góp phần giảm thiểu các hành vi sai phạm của các chủ thể tham gia thị trường. Thực tế cho thấy, hoạt động kiểm toán vẫn có những hạn chế của mình và các công ty kiểm toán không phải là người đảm bảo cuối cùng. Việc minh bạch thị trường hay cải thiện CBTT đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Tất cả chúng ta cần quyết tâm xây dựng thị trường lành mạnh, không có bên nào chịu trách nhiệm đầu tiên hay cuối cùng.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 16ra ngày 18-4-2019
Cùng chuyên mục
Làm thế nào để minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán?