Lãng phí tài sản công

(BKTO) - Tổng kiểm kê tài sản công nhằm thống kê tài sản công, làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đây cũng là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công.

10.jpg
Công tác quản lý tài sản công vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa

Còn tài sản công bị sử dụng lãng phí

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho biết, tài sản công có phạm vi rộng, đa dạng về chủng loại, được phân bổ trên phạm vi cả nước và cả ở nước ngoài, do nhiều đối tượng quản lý, sử dụng theo các hình thức khác nhau. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã phân cấp mạnh cho các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở về quản lý tài sản công. Công tác quản lý tài sản công đã đạt nhiều kết quả quan trọng, từ khâu thể chế, chỉ đạo, điều hành, tổ chức quản lý đến khâu kiểm tra, giám sát. Nhận thức và thực tiễn công tác quản lý của các cấp, các ngành cũng có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo số liệu cập nhật gần nhất tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công cho thấy, đến ngày 31/12/2022, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1.777.122,53 tỷ đồng. Cụ thể: Tài sản là quyền sử dụng đất là 1.123.845,7 tỷ đồng; tài sản là nhà 453.373,25 tỷ đồng; tài sản là vật kiến trúc 41.718,54 tỷ đồng; tài sản là ô tô 26.010,89 tỷ đồng; tài sản là phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô) 1.142,47 tỷ đồng...

Tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của ủy ban nhân dân tỉnh đã xử lý được khoảng 90%, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Cục Quản lý công sản, công tác quản lý tài sản công vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là, hệ thống pháp luật điều chỉnh về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là việc khai thác các tài sản công chuyên ngành chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn bất cập, dồn nhiều lên cơ quan cấp trên. Việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô còn chậm cả ở khâu phê duyệt và tổ chức thực hiện; còn vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý tài sản công...

Thực tế, còn hiện tượng đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không tuân thủ quy định về đấu giá khi xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp… hoặc cơ sở nhà, đất, như: Tại số 1 Lý Thái Tổ, Phường 1, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh đang bỏ trống và có dấu hiệu hoang hóa, xuống cấp trầm trọng. Ngày 07/02/2024, Bộ Ngoại giao có Công văn gửi Bộ Tài chính cho biết, đang khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp đối với cơ sở nhà, đất tại số 1 Lý Thái Tổ. Bên cạnh đó, cũng theo Bộ Tài chính, cử tri TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị kiểm tra, giám sát việc lãng phí trong sử dụng tài sản công của các Bộ, ngành Trung ương trên địa bàn Thành phố do hiện nay, nhiều khu đất bỏ hoang không sử dụng, rất lãng phí và cần có phương án sử dụng hiệu quả.

Kiểm kê tài sản công để hoàn thiện chính sách

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của ủy ban nhân dân các địa phương; tài sản công thuộc cấp Trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các Bộ, ngành. Tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của ủy ban nhân dân tỉnh đã xử lý được khoảng 90%, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý; trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, khi chuyển tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị, nhiều cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau hoặc nhiều nơi không có nhu cầu tiếp nhận. Khi muốn định giá để bán tài sản công cũng khó tìm được cơ quan định giá. Việc điều chuyển mục đích sử dụng tài sản công cũng cần nhiều thủ tục... Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi biến động của tài sản công và quản lý hiệu quả hơn.

Công tác quản lý tài sản công vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là, hệ thống pháp luật điều chỉnh về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là việc khai thác các tài sản công chuyên ngành chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn bất cập, dồn nhiều lên cơ quan cấp trên. Việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô còn chậm cả ở khâu phê duyệt và tổ chức thực hiện; còn vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý tài sản công...

Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (Quyết định 213). Việc tổng kiểm kê tài sản công nhằm thống kê thực trạng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý về số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng... làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, phục vụ việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước...

Triển khai thực hiện Quyết định 213, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công. Theo đó, Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương sẽ thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê để chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện kiểm kê tài sản.

Trong tháng 4/2024, Bộ Tài chính hoàn thiện việc xây dựng Dự thảo văn bản hướng dẫn các chỉ tiêu kiểm kê, biểu mẫu, cách thức tổng hợp kết quả kiểm kê. Hết tháng 8/2024, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành chỉ tiêu kiểm kê và hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm kê tài sản kết cấu hạ tầng đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành chỉ tiêu kiểm kê và hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm kê tài sản kết cấu hạ tầng đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn; tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; tài sản kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu là đê điều; tài sản kết cấu hạ tầng cảng cá. Đến ngày 01/7/2025, các Bộ, ngành địa phương hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước./.

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất ưu tiên nâng cấp 5 tuyến cao tốc
    12 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh cần khoảng 494.592 tỷ đồng ngân sách. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên trước mắt, Bộ đề xuất ưu tiên hơn 55.000 tỷ đồng cho 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách để nâng cấp lên quy mô 4-6 làn xe.
  • Hải Phòng huy động tối đa phương tiện phục vụ khách du lịch an toàn, thuận tiện
    12 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Tại các tuyến đường thủy ra đảo Cát Bà, dự kiến Hải Phòng có thể đảm bảo phục vụ 5.000 hành khách/ngày bình thường. Cao điểm có thể huy động các tàu quay vòng nhanh, tăng chuyến không hạn chế nhằm giải tỏa hết hành khách (dự kiến lượng hành khách tối đa khoảng 5.500 hành khách/ngày)...
  • Bình Thuận: Nợ thuế vẫn gia tăng
    12 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Trước thực trạng nợ thuế có xu hướng gia tăng, ngành thuế tỉnh Bình Thuận đang tập trung xử lý, truy thu nợ thuế để bổ sung vào ngân sách nhà nước, chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội của tỉnh.
  • Nghị định về hoạt động lấn biển
    13 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động lấn biển.
  • Lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy vào quý II/2024?
    13 ngày trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục, tín dụng dần cải thiện. Dự kiến, lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3 - 0,5% và sẽ tiến dần về mức lãi suất tại thời điểm đầu năm, khi một số ngân hàng đã cho thấy có sự điều chỉnh huy động trái chiều trong tháng 3.
Lãng phí tài sản công