Đề xuất ưu tiên nâng cấp 5 tuyến cao tốc

(BKTO) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh cần khoảng 494.592 tỷ đồng ngân sách. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên trước mắt, Bộ đề xuất ưu tiên hơn 55.000 tỷ đồng cho 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách để nâng cấp lên quy mô 4-6 làn xe.

13.jpg
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang khai thác 2 làn xe. Ảnh: ST

Cần hơn 494.500 tỷ đồng để nâng cấp đường cao tốc đạt quy mô hoàn chỉnh

Đến nay, cả nước đã khai thác khoảng 1.892km đường cao tốc. Hiện đang xây dựng 1.802km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805km, đang nghiên cứu đầu tư khoảng 729km đường cao tốc. Trong số 1.892km đường cao tốc đã khai thác có 1.144km đạt quy mô hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, 435km quy mô 4 làn xe hạn chế và 313km quy mô 2 làn xe.

Với 1.790km đường cao tốc đang xây dựng có 124km đạt quy mô hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, 1.373km quy mô 4 làn xe hạn chế và 293km quy mô 2 làn xe. Trong số 805km đường cao tốc đã phê duyệt chủ trương, đang chuẩn bị đầu tư có 401km đạt quy mô hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, 321km quy mô 4 làn xe hạn chế và 83km quy mô 2 làn xe. Còn 734km đường cao tốc đang lập chủ trương đầu tư đều có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.

Theo Bộ GTVT, để nâng cấp đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe hạn chế lên quy mô đầy đủ cần hơn 494.500 tỷ đồng ngân sách. Nếu cân đối đủ nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến cao tốc phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và năng lực thông hành. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn khó khăn, việc cân đối ngay gần 494.600 tỷ đồng ngân sách nhà nước trong giai đoạn hiện nay là khó khả thi, ảnh hưởng mục tiêu hoàn thành 5.000km theo nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Do đó, Bộ GTVT đề xuất đầu tư nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 55.300 tỷ đồng (vốn nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư gần 40.300 tỷ đồng) - Nhóm 1. Nhóm này gồm 5 tuyến cao tốc:

Cao tốc La Sơn - Hòa Liên (dài 66km) đang khai thác 2 làn xe, đã giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Để nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để đầu tư. Dự kiến khởi công năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (dài 98km) đang khai thác 2 làn xe, đã giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Để nâng cấp cao tốc này lên 4 làn xe hoàn chỉnh cần khoảng 7.000 tỷ đồng. Bộ GTVT đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 để sớm triển khai đầu tư.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15km) đang khai thác 4 làn xe hạn chế, đã giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe. Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp đạt quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Dự kiến khởi công trong năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km) đang khai thác quy mô 4 làn xe hạn chế, đã giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe. Bộ GTVT đang phối hợp với nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nâng cấp đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đạt quy mô 6 làn xe, kết hợp nâng cấp đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương lên 8 làn xe.

Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (dài 26km) là dự án BOT đang khai thác quy mô 2 làn xe. UBND tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mở rộng đường lên 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 7.950 tỷ đồng.

Sớm thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Cùng với đề xuất ưu tiên đầu tư nâng cấp 5 tuyến cao tốc nói trên, Bộ GTVT cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông theo kiến nghị của Bộ GTVT làm cơ sở nghiên cứu đầu tư, nâng cấp đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí khoảng 18.683 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp các đoạn Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Ninh Bình - Hải Phòng đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh...

Đối với các dự án đầu tư công, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu phương án thu phí dịch vụ; trường hợp chưa thu phí, sẽ nghiên cứu phương án phân luồng, điều tiết giao thông phù hợp để bảo đảm khai thác hiệu quả và an toàn. Việc đầu tư, nâng cấp đạt quy mô hoàn chỉnh sẽ nghiên cứu trong giai đoạn 2026-2030 khi cân đối được nguồn vốn.

Đối với các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại, Bộ GTVT cho biết, sẽ khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể biện pháp tổ chức giao thông đối với các tuyến đang khai thác đáp ứng yêu cầu khai thác an toàn, hiệu quả, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh đầu tư đồng bộ Hệ thống giao thông thông minh (ITS), trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, phục vụ nhu cầu của người tham gia giao thông, nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác đường cao tốc; lắp đặt hệ thống kiểm tra tải trọng xe, từ chối phục vụ nếu phát hiện phương tiện vượt quá tải trọng quy định.

Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết, xây dựng phương án để triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư ngay sau khi Luật Đường bộ được thông qua để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điều tiết hợp lý lưu lượng giao thông giữa đường cao tốc và các tuyến quốc lộ song hành, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên đường cao tốc./.

Cùng chuyên mục
Đề xuất ưu tiên nâng cấp 5 tuyến cao tốc