Lạng Sơn: Nhiều biện pháp để các HTX phát triển ổn định, bền vững

Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Lạng Sơn có 361 Hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó, có 313 HTX đang hoạt động. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã có một số chuyển biến tích cực trong hoạt động.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn, thời gian qua, cùng với các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, cấp mã số vùng trồng được đẩy mạnh thực hiện; hỗ trợ thành lập mới 79 HTX với 1.580 triệu đồng; hỗ trợ 28 trí thức trẻ về làm việc tại 26 HTX, hỗ trợ 980 triệu đồng; 43 sản phẩm OCOP được thưởng 260 triệu đồng.

Tuy nhiên, các hợp tác xã có quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư sản xuất hạn chế; thiếu sự liên doanh liên kết; chưa có định hướng phát triển lâu dài; năng lực tổ chức sản xuất HTX nông nghiệp còn yếu... Chính vì vậy, các HTX cũng như các cấp, ngành liên quan đã và đang triển khai nhiều biện pháp để các HTX phát triển ổn định, bền vững.

Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, điển hình là việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, HTX để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX, từ đó có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.

hong-treo-gio-da-lat-22.jpg
Sản phẩm hồng Vành khuyên của HTX  đạt OCOP 4 sao

Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: HTX thành lập năm 2010 với 12 thành viên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2018 trở lại đây, mực nước hồ Vũ Lăng vào mùa khô xuống rất thấp, ảnh hưởng đến kinh doanh thuỷ sản. Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2023, HTX đã nêu vướng mắc về vấn đề này. Theo đó, sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đã có giải pháp để duy trì mực nước trung bình ở hồ Vũ Lăng, qua đó, đã tạo điều kiện để HTX hoạt động ổn định.

Tương tự HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong, HTX sản xuất, kinh doanh hồng vành khuyên Nà Mò, huyện Văn Lãng cũng là một ví dụ điển hình. Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2018, HTX thành lập với 7 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, thu mua và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hồng Vành khuyên. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồng Vành khuyên Nà Mò, năm 2021, HTX làm hồ sơ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm hồng Vành khuyên của HTX đã đạt OCOP 4 sao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, do vậy, trong hội nghị đối thoại doanh nghiệp, HTX nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HTX đã có kiến nghị hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Theo đó, trong năm 2023, sản phẩm của HTX đã được đơn vị chuyên môn cấp huyện, tỉnh hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong nước. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, hiện nay, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội...

Ông Tô Văn Chí, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2022, sau khi được các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động, các sáng lập viên trên địa bàn xã đã thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp xã Bằng Hữu gồm 8 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng vật tư nông nghiệp. Việc thành lập HTX vừa giúp các hộ thành viên hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản xuất, đồng thời trực tiếp góp phần vào việc từng bước hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM trên địa bàn xã. Qua đó tạo tiền đề để năm 2024, xã Bằng Hữu phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch đề ra.

Những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các HTX nói chung, trong đó có các HTX tại xã NTM. Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: 5 năm trở lại đây, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp; hỗ trợ HTX vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển.

mo-hinh-trong-hoa-ly-trong-nha-luoi-cho-nang-suat-cao-tai-lang-son..jpg
Hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp

Giai đoạn 2019 - 2024, các cơ quan liên quan đã tổ chức 40 - 50 lớp tập huấn về phát triển kinh tế tập thể, HTX (trong đó có cả những lớp dành riêng cho các HTX mới thành lập tại các xã) với các nội dung liên quan đến công tác quản trị HTX, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hướng dẫn thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển HTX; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức kiểm tra thực tế tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như tổ chức kiểm tra chuyên đề về phát triển HTX tại các xã NTM để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các HTX (chủ yếu về vốn, khoa học kỹ thuật, quản trị) để từ đó có những giải pháp tháo gỡ cụ thể. Bên cạnh đó, những năm gần đây, UBND tỉnh Lạng Sơn cùng các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với HTX bình quân 15 cuộc/năm với trên 300 lượt HTX tham dự…

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song trên thực tế số lượng hoạt động kém hiệu quả vẫn còn khá lớn. Chính vì vậy, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các HTX, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, phù hợp để hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX hoạt động thực chất hơn, vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn.

Cùng chuyên mục
Lạng Sơn: Nhiều biện pháp để các HTX phát triển ổn định, bền vững