Lấy con người làm trung tâm, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

(BKTO) - Theo Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, cả nước đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn có trình độ từ đại học trở lên, gồm 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ và 42.000 kỹ sư.

1(3).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Chủ trì cuộc họp lấy ý kiến các trường đại học về Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, một trong ba đột phá chiến lược được Đảng và Nhà nước xác định là đột phá về đào tạo nguồn nhân lực.

Trên quan điểm lấy con người làm trung tâm, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược ưu tiên, trong đó phát triển khoa học công nghệ cao sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành phụ trợ khác.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển và cung cầu nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn thế giới; tổ chức khảo sát trong nước và quốc tế; lấy ý kiến chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia người Việt Nam đang công tác trong ngành bán dẫn trên thế giới và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án.

Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện Đề án, các trường đại học, cơ sở đào tạo đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là các trường, cơ quan chủ trì các trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn về thiết kế vi mạch tại các trường đại học công lập có năng lực đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý vào các nội dung cụ thể của Dự thảo Đề án, trong đó tập trung vào cơ chế triển khai Đề án, các nội dung liên quan đến cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo tiếp cận nguồn vốn xây dựng trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn về thiết kế vi mạch tại các trường đại học; cơ chế bố trí nguồn lực.

Đồng thời, cho ý kiến vào dự kiến chỉ tiêu đào tạo của các trường hằng năm để thực hiện mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn có trình độ từ đại học trở lên; chỉ tiêu đào tạo đối với các trường công lập được đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ kinh phí, học bổng cho các cơ sở đào tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo; quy trình tham gia Đề án, sử dụng vốn đầu tư công, vốn chi sự nghiệp.

Theo Dự thảo Đề án, mục tiêu đến năm 2030, cả nước đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn có trình độ từ đại học trở lên với cơ cấu 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ và 42.000 kỹ sư. Nếu phân chia theo các công đoạn, cơ cấu gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

Các cơ sở đạo sẽ tăng cường sự liên kết, phát huy tinh thần tự chủ giữa các trường với sự điều phối chung của Nhà nước để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu tại cuộc họp là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, làm rõ thêm tại Dự thảo nhằm đảm bảo khi khi Đề án được phê duyệt sẽ triển khai được ngay, tăng cơ hội cho Việt Nam phát huy được lợi thế nguồn nhân lực để phát triển./.

Cùng chuyên mục
Lấy con người làm trung tâm, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn