Quang cảnh Họp báo |
Cắt giảm ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến kinh doanh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện thành công Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước trong giai đoạn 2007-2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 TTHC (cắt giảm 37,31% TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm). Sau những thành công đó, tinh thần cải cách vẫn được tiếp nối với việc triển khai nhiều chương trình, đề án, nghị quyết, trong đó có việc triển khai các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2014 đến nay… Kết quả, hàng nghìn điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và TTHC đã được cắt giảm, đơn giản hóa.
Giai đoạn 2016-2020, có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng, các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền. |
Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Đây là Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay với quan điểm lấy DN, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, Chương trình cải cách không chỉ dừng ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa tất cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản đang có hiệu lực thi hành mà cải cách toàn diện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh đó, Chương trình tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện thông qua đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân.
Về mục tiêu, giai đoạn 2020-2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các Bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, người dân.
Thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để thực hiện được mục tiêu trên, các Bộ, ngành cần thực hiện một số nhiệm vụ:
Tập trung cải cách mạnh mẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa giai đoạn 2020-2025.
Thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tập trung lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các TTHC có nhu cầu lớn, liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, DN, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; ban hành và triển khai Kế hoạch số hoá kết quả giải quyết TTHC.
Tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền; chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, DN. Bên cạnh đó, tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, DN…
Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và các hiệp hội DN tích cực tham gia ý kiến đối với các quy định trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của các Bộ, ngành…
Tin và ảnh: HỒNG NHUNG