Liệu kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu có diến ra

(BKTO)- Lãi suất liên tiếp được nâng lên, lạm phát tăng “nóng” và cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đang khiến những dự đoán về một kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.



                
   

Ảnh minh họa

   

Các chỉ báo về suy thoái kinh tế

Trước đó vào ngày 26/7,Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành hiện thực và có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái. Trong báo cáo cập nhật mang tên "Triển vọng kinh tế thế giới," IMF đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng Tư. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng Tư xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Trong một tuyên bố, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier nêu rõ: "Triển vọng trở nên u ám kể từ tháng Tư. Thế giới có thể sẽ sớm ngấp nghé bờ vực suy thoái toàn cầu, chỉ 2 năm sau lần suy thoái mới đây nhất".

Bên cạnh đó, Chỉ số nhà quản lý nhà mua hàng (PMI) - số liệu dự báo về hoạt động sản xuất, dịch vụ, hàng tồn kho, đơn đặt hàng - thường được coi là một trong chỉ báo về suy thoái kinh tế cũng cho thấy những thống kê không khả quan.

Trong báo cáo công bố ngày 01/8 củaS&P Global về một loạt chỉ số quản lý mua hàng (PMI) - chỉ số đo lường “sức khỏe” khu vực sản xuất - cho thấy trong tháng 7 các đơn đặt hàng mới giảm tại các cường quốc sản xuất, nhất là các "ông lớn" công nghệ ở Đông Bắc Á và Đức. Báo cáo cho thấy các nhà máy trên khắp châu Âu và châu Á đang phải vật lộn để tìm động lực trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới giảm và các biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19 đã làm chậm hoạt động sản xuất.

Cụ thể, PMI của S&P Global của các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 7 đã giảm xuống 49,8 so với 52,1 trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, PMI của các nước Eurozone giảm dưới 50 - mức phân định giữa tăng trưởng và suy giảm. Theo S&P Global, ngoại trừ Hà Lan, hoạt động sản xuất đang giảm ở toàn bộ các nước thành viên Eurozone còn lại và tỷ lệ giảm này đặc biệt đáng lo ngại ở Đức, Pháp và Italy, là 3 nền kinh tế lớn nhất Eurozone.

Còn tại châu Á, hoạt động chế tạo tại Hàn Quốc đã giảm lần đầu tiên trong gần 2 năm, trong khi Nhật Bản chứng kiến tốc độ sản xuất chậm nhất trong 10 tháng giữa bối cảnh tình trạng chuỗi cung ứng gián đoạn kéo dài.

Nước Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới,nhà đầu tư đang bán tháo đồng - kim loại đại diện cho triển vọng ngành công nghiệp sản xuất, và mua vào đồng USD - thể hiện tâm lý bất an. Giá đồng từ trước đến nay luôn được coi là một chỉ số hàng đầu về sức khỏe kinh tế vì kim loại này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực và nó cũng được coi là một trong những chỉ báo về suy thoái kinh tế. Giá đồng đã chứng kiến mức giảm giá 22% kể từ đầu năm nay, cho thấy các nhà đầu tư đang tiêu cực về triển vọng nền kinh tế. Hiện tại, giá kim loại đang giảm mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm mạnh hoặc nguồn cung đang tăng lên.

Bên cạnh đó, tuần trước Mỹ cũng công bố GPD quý 2 với số liệu chính thức là âm 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây đã là quý thứ 2 liên tiếp kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, phù hợp với định nghĩa của tình trạng suy thoái kỹ thuật.

Liệu lịch sử có lặp lại?
                
   

Mỹ có quý thứ 2 liên tiếp GDP tăng trưởng âm - Nguồn: Bloomberg

   

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát của các nền kinh tế, quá trình siết chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương được coi chính là nguồn cơn làm gia tăng quan ngại suy thoái. Kể từ năm 1955, có ba giai đoạnCục Dự trữ Liên bang Mỹ(Fed) tăng lãi suất mạnh, rơi vào các năm 1973, 1979 và 1981. Sau mỗi giai đoạn kể trên, một cuộc suy thoái ập tới chưa đầy nửa năm sau đó. Vậy lần này liệu lịch sử có lặp lại?

Theo khảo sát của tờ The Economist cho rằng hiện tại có vẻ còn quá sớm để tuyên bố suy thoái. Hầu hết học giả dựa vào kết luận của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) để xem liệu nền kinh tế có thực sự suy thoái hay không. Cơ quan này xác định suy thoái dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả số lượng việc làm và sản xuất công nghiệp, chứ không chỉ nhìn vào GDP. The Economist vì thế sử dụng cách tiếp cận tương tự để đánh giá sức khỏe toàn bộ các nước giàu. Kết quả là họ thấy khó có thể kết luận rằng thế giới đang suy thoái.

Theo ước tính, các hộ gia đình các nước giàu vẫn có khoảng 3.000 tỷ USD tiền tiết kiệm "dư thừa". Theo dữ liệu mới nhất ở Mỹ vào tháng 3/2022, số dư tiền mặt của các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất vẫn cao hơn 70% so với năm 2019. Hơn nữa, các cuộc khảo sát cho thấy mọi người dường như vẫn tự tin về tài chính cá nhân. Ở Mỹ, khảo sát của Fed New York cho thấy tỷ lệ người cho rằng họ không thể trả nợ đúng hạn trong 3 tháng tới vẫn thấp hơn mức trung bình. Nhiều công cụ theo dõi tiêu dùng, của cả Ngân hàng Trung ương Anh (đối với Anh) và JPMorgan Chase (đối với Mỹ), cho thấy tiêu dùng vẫn khá mạnh mẽ.

Chính phủ các nước phát triển cũng đang vung tiền giúp người nghèo đối phó với giá năng lượng tăng vọt. Tại Eurozone, quy mô kích thích kinh tế của các nước hiện tương đương 1% GDP. Anh đang rút dần các khoản hỗ trợ tài chính áp dụng khi đại dịch mới xuất hiện, nhưng vẫn đưa ra các chính sách hỗ trợ người nghèo.

Động thái của các doanh nghiệp cũng tạo ra sự yên tâm. Lượng việc làm đăng tuyển vẫn ở mức cao kỷ lục. Ví dụ, tuyển dụng ở Australia hiện cao hơn gấp đôi mức trước đại dịch, theo dữ liệu của website tuyển dụng Indeed. Ở Mỹ, tỷ lệ việc đăng tuyển cao hơn gấp đôi số người thất nghiệp.

Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế(OECD) hiện thấp hơn so với trước đại dịch. Ở một nửa các quốc gia thuộc OECD, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Nếu nhìn vào lịch sử, những con số này không cho thấy một cuộc suy thoái đang rình rập.

Sụt giảm đầu tư cũng đóng vai trò lớn trong suy thoái. Trong giai đoạn suy thoái của các nước G7 những năm 1980, khoảng một nửa sự sụt giảm của GDP là do đầu tư của doanh nghiệp. Lần này, theo dữ liệu tổng hợp từ Mỹ, eurozone và Nhật Bản của JPMorgan, đầu tư cũng suy yếu, nhưng không nghiêm trọng.

Dù vậy, số liệu kinh tế tốt cũng chưa chắc vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, khi nỗi sợ cơ bản của họ là các nước thắt chặt tiền tệ. Economist cho rằng ngày nay, có vẻ như bất kỳ loại tin tức nào cũng có thể truyền tải tin xấu về một cuộc suy thoái. Ví dụ, số liệu xấu dĩ nhiên sẽ khiến mọi người tin rằng suy thoái đang đến gần. Nhưng kể cả số liệu tốt, ví dụ lương tăng, cũng được hiểu theo nghĩa ngân hàng trung ương thất bại trong kiểm soát lạm phát, đòi hỏi thắt chặt hơn nữa và từ đó kéo theo suy thoái. Hiện tại, chỉ những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm mới thực sự xua tan nỗi lo về suy thoái.

Trên thực tế, nhà đầu tư ít chú ý đến một vài số liệu cho thấy tình hình đang bình ổn. Một chỉ số về các vấn đề chuỗi cung ứng do Fed New York tổng hợp (từ chi phí vận chuyển toàn cầu và ý kiến của các nhà quản lý mua hàng) cho thấy căng thẳng đang hạ nhiệt, dù vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Giá hàng hóa cũng đã đi xuống kể từ tháng 6. Giá xăng tại Mỹ đang giảm khoảng 3% một tuần.

Công ty tư vấn Alternative Macro Signals thì phân tích hàng triệu tin bài để xây dựng "chỉ số áp lực lạm phát tin tức". Chỉ số này sẽ cho biết liệu luồng tin tức có phản ánh áp lực giá đang tăng hay không. Kết quả là chỉ số tại Mỹ và Anh đã giảm trong những ngày gần đây. Dù vậy, hy vọng lạm phát giảm nhanh gần như không có. Morgan Stanley tính toán rằng lạm phát tại các nước giàu sẽ đạt đỉnh 8% trong quý III. Các công ty vẫn đề cập đến dự định tăng giá sản phẩm.

Dữ liệu tổng hợp mà các nhà kinh tế thu được là hữu ích nhưng theo một số nhà phân tích, vẫn còn bài học cũ, đó là khó phát hiện những cuộc suy thoái trên thực tế. Lịch sử cũng cho thấy rất khó để dự báo chính xác về suy thoái, chính vì vậy không loại trừ kịch bản suy thoái sẽ đến trong tương lai nhưng ở thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm để nói kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái.

Nam Sơn
Cùng chuyên mục
  • Hoa Kỳ hỗ trợ đổi mới giáo dục đại học Việt Nam
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa khởi động Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học, với khoản ngân sách tài trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ trị giá 14,2 triệu USD nhằm hỗ trợ đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam.
  • Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích thiết thực
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Hiệu quả của chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tình thế, giúp ngành giáo dục nói chung, giáo dục đại học (ĐH) nói riêng, giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh, mà còn được đo lường dựa trên những kết quả, những con số tiết kiệm trông thấy rõ, cũng như định hình tương lai của giáo dục ĐH. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình ngày càng có nhiều biến động, việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu mà các trường không thể có lựa chọn khác tốt hơn.
  • Triển khai tuyển dụng, đi đôi với rà soát, tinh giản biên chế giáo viên
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026 (Quyết định số 72-QĐ/TW).
  • Việt Nam có dự án cho thuê sinh thái đầu tiên theo Cơ chế tín chỉ chung
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Việt Nam lần đầu tiên đăng ký thành công một dự án cho thuê sinh thái kể từ khi cơ chế tín chỉ chung (JCM) được ban hành vào năm 2020. Dự án thể hiện nỗ lực và chú trọng hướng đến một xã hội bền vững.
  • Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt tại Hội thảo "Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo" do Bộ KH&CN phối hợp cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Liệu kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu có diến ra