Linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá

(BKTO) - Tỷ giá những ngày gần đây tạm thời ổn định nhưng đã ở mặt bằng cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Theo các chuyên gia, diễn biến tỷ giá cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần điều hành

12.jpg
Dự báo, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tỷ giá vẫn còn chịu áp lực. Ảnh sưu tầm

Tỷ giá thiết lập mặt bằng cao hơn so với đầu năm

Nhìn lại diễn biến của tỷ giá từ đầu năm nay đến cuối tháng 9, có thể thấy, mặc dù điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt lại và đồng USD mạnh lên nhưng tỷ giá USD/VND khá ổn định. Để duy trì được sự ổn định của tỷ giá giữa muôn vàn thách thức, NHNN đã sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ như: Sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay…

Tuy nhiên, đầu tháng 10, thị trường tiền tệ có sự biến động khi USD/VND bắt đầu tăng mạnh, tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại được niêm yết ở mức cao. Để giải tỏa áp lực này, NHNN đã quyết định nới biên độ tỷ giá từ mức +-3% lên +-5% từ ngày 17/10. Theo đánh giá của các chuyên gia, quyết định này đã phần nào tạo ra không gian rộng lớn hơn để các chủ thể, trong đó có các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài và người dân lựa chọn cách thức tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường.

Diễn biến thị trường cho thấy, sau khi biên độ tỷ giá được nới rộng ra, tỷ giá thị trường đã tiếp tục biến động thêm một số ngày rồi dần dần tìm được điểm cân bằng và ổn định từ giữa tháng 11 cho đến nay. Tuy vậy, tỷ giá đã thiết lập một mặt bằng mới, cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), đến ngày 03/11, đồng tiền của Việt Nam mất 9,1% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm. Mặc dù vậy, đồng nội tệ vẫn bị mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Ở thời điểm hiện nay, giới phân tích nhận định, mục tiêu này đang có một số yếu tố thuận lợi. Đó là: Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ trong kỳ công bố Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” mới đây. Mặt khác, áp lực lạm phát tại Hoa Kỳ dường như có dấu hiệu hạ nhiệt, mang lại kỳ vọng về sự “lỏng tay” trong việc nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) vào tháng 12 tới. Cùng với đó, các biến số quan trọng như cán cân thanh toán hay sức khỏe nền kinh tế/ổn định chính trị của Việt Nam đang được dự báo tích cực. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho NHNN linh hoạt hơn trong chính sách quản lý ngoại hối, làm chậm lại khả năng trượt giá của VND, qua đó cũng sẽ giúp hạ nhiệt tỷ giá.

Sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, giới phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, các biến số kinh tế dường như luôn có thể biến động và sẽ vô cùng khó dự báo một cách hoàn hảo trước những biến động, rung lắc sẽ tác động tới tỷ giá cuối năm.

Nhìn về những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giới phân tích dự báo, tỷ giá vẫn còn chịu áp lực, dù không quá lớn như giai đoạn vừa qua. Áp lực đó, theo Công ty Chứng khoán VNDirect, có thể đến từ động thái tiếp tục lộ trình tăng lãi suất trong tháng 12 của Fed, kết hợp với yếu tố nội tại khi nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý IV (xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại). Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, sự bất định của kinh tế toàn cầu, cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết... cũng là những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá.

Trong một thế giới với nhiều yếu tố bất định, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn kiên định mục tiêu xuyên suốt là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Tuy vậy, trong ngắn hạn, tùy thuộc vào tình hình thực tế, NHNN sẽ phải tính toán, cân nhắc giữa các mục tiêu. Làm rõ một số vấn đề về lãi suất, tỷ giá tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ là phải xác định được mục tiêu trọng tâm của từng giai đoạn”. Ở thời điểm này, theo Thống đốc, NHNN xác định trọng tâm của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn.

Rõ ràng, với bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới có nhiều thách thức hơn thuận lợi hiện nay, sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá là hướng đi phù hợp. Điều này cũng đã được WB khuyến nghị trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2022. Cụ thể, WB cho rằng, do Fed dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn. Biện pháp này có thể được bổ sung bằng cách tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng. Do áp lực tỷ giá kéo dài, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối./.

Cùng chuyên mục
Linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá