Huy động nguồn tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. Do đó, Việt Nam cần tận dụng các động lực từ kinh tế xanh và thu hút hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ cho tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam cần nguồn tài chính lớn để thực hiện tăng trưởng xanh

Chiều 25/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức Hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”.

qc.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - cho biết, những biến động của kinh tế thế giới cộng hưởng với những xu thế nổi lên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tái định hình các chuỗi cung ứng đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, cấp bách đối với các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với Việt Nam, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh cũng đã trở thành những mục tiêu lớn được Chính phủ đặt ra, nhằm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. “Đây vừa là vấn đề cấp thiết khi Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vừa là vấn đề chiến lược nhằm nâng cao năng suất quốc gia, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Theo đó, bên cạnh việc phát huy các nguồn lực trong nước, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có các nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, nhằm phục vụ phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững và cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - nhấn mạnh, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết, song đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho việc triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở... Với yêu cầu đó, để đáp ứng đủ nhu cầu vốn thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cung cấp thêm thông tin, một nghiên cứu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực, vì vậy, cần tăng cường huy động, thu hút các nguồn vốn xã hội, đặc biệt là nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. “Nguồn đầu tư từ nước ngoài đóng một vai trò rất quan trọng, góp phần tạo nên thành công của Việt Nam trong việc hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh” - ông Cảnh nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC - chia sẻ, trong quá trình hội nhập quốc tế, SCIC cũng như các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò và tiềm lực để đi tiên phong trong việc đối thoại, thương thảo với các đối tác quốc tế. Từ đó, có thể đưa về nhiều hơn những nguồn vốn tiềm năng, có chất lượng của các quỹ đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh phục vụ phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài

Các chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất tại khu vực Đông Nam Á, nhờ có nhiều lợi thế, yếu tố thuận lợi.

Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi ổn định, tích cực sau dịch Covid-19, dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2022, thuộc nhóm cao nhất tại khu vực châu Á và Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi với lực lượng lao động trẻ, có sức sáng tạo và khả năng thích nghi cao.

Đồng thời, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, thực chất vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, có tiềm năng trở thành một trung tâm kết nối các chuỗi cung ứng và là một mắt xích quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Đặc biệt, Việt Nam đã duy trì tốt tăng trưởng xuất khẩu nhờ tận dụng khá hiệu quả hệ thống các hiệp định thương mại tự do đang được thực thi; duy trì được tính ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ trong nước trước các thách thức từ bên ngoài…

Với những lợi thế đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Đưa khuyến nghị để hiện thực hóa tiềm năng này, ông Li Fan - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Warburg Pincus Singapore - cho rằng Việt Nam cần quan tâm đến 3 yếu tố để thu hút hơn nữa nguồn vốn của các quỹ đầu tư quốc tế.

Cụ thể là, Việt Nam cần duy trì môi trường đầu tư ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng mềm của nền kinh tế (về năng lực tài chính, hệ thống y tế, chuyển đổi năng lượng bền vững, năng lực thực thi chính sách hiệu quả...); chú trọng tính bền vững của các dự án đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến định hướng tăng trưởng xanh, bà Carolyn Turk - Giám đốc WB tại Việt Nam - đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về giải pháp huy động nguồn tài chính.

Theo đó, Việt Nam cần gắn kết việc thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu với việc triển khai các dự án xanh hiệu quả, khả thi; thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tham khảo các kinh nghiệm quốc tế về tài chính xanh và có khuôn khổ pháp lý phù hợp cho việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các công cụ tài chính xanh một cách bền vững; có giải pháp sáng tạo nhằm định hướng dòng vốn tín dụng tập trung cho các dự án xanh; gia tăng xây dựng và thực thi các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển tín dụng xanh…

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, các ngân hàng phát triển đa phương, các đối tác phát triển, các tập đoàn đa quốc gia, quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò tiên phong, quan trọng trong việc huy động và cung cấp các nguồn vốn đầu tư, tài chính xanh hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.

“Do đó, việc thiết lập các mối quan hệ đối tác quốc tế công bằng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững là hết sức cần thiết. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng đóng vai trò là “cầu nối” thúc đẩy hiện thực hóa các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa các bên” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Huy động nguồn tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước