Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi họp báo- Ảnh: P. Hiếu |
Tăng trưởng tín dụng khoảng 2,28%
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, NHNN điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; linh hoạt điều hành các công cụ CSTT để điều hòa thanh khoản thị trường kịp thời với kỳ hạn hợp lý. Đến ngày 25/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018.
NHNN cũng đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6- 9%/năm, 9- 11%/năm đối với trung và dài hạn. Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đầu năm 2019, các ngân hàng thương mại nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm.
Trong điều hành tín dụng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Trần Văn Tần thông tin: Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, NHNN đã có công văn chỉ đạo định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Đến ngày 25/3, tín dụng tăng khoảng 2,28%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,78%). Tín dụng được tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tín dụng đối với các ngành kinh tế, đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Đặc biệt, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng và triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân năm 2019, NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn, giải ngân đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu vốn của DN, thương nhân để thu mua thóc, gạo cho người dân; riêng các NHTM Nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các DN thu mua lúa gạo. Kết quả đến nay, các TCTD tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân 2019, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân...
Giảm dần cho vay ngoại tệ theo lộ trình
Nhấn mạnh những định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng trong những tháng tới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và triển vọng kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong những tháng tới đây, NHNN tiếp tục điều hành CSTT theo định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Quang cảnh họp báo- Ảnh: P. Hiếu |
Tín dụng được điều hành phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; theo sát diễn biến tăng trưởng tín dụng tại từng TCTD để định hướng TCTD tăng trưởng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2019 cũng là năm NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ. Nếu làm được điều này sẽ tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động về cho vay ngoại tệ. Thời gian vừa qua, NHNN xuyên suốt trong các giải pháp điều hành luôn tạo sự khuyến khích lưu giữ VND. Các giải pháp của NHNN đều hướng tới thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần quan hệ tiền gửi cho vay sang quan hệ mua bán... Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, nhờ đó NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo báo cáo của NHNN, trong 3 tháng đầu năm, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14% (năm 2018 tăng 14,58%, tỷ trọng 3,09%); tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12% (năm 2018 giảm 1,42%, tỷ trọng 3,01%); tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 0,36% (năm 2018 giảm 2,2%, tỷ trọng 0,36%); tín dụng đối với DN nhỏ và vừa giảm 1,64% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 18% (năm 2018 tăng 15,57%); tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (năm 2018 tăng 21,4%, tỷ trọng 24,8%). |