Cạnh tranh ngày càng “nóng” trên thị trường bán lẻ

(BKTO) - Tiềm năng tăng trưởng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tuy nhiên, các DN trong nước có tận dụng được cơ hội để phát triển, chiếm lĩnh thị phần hay không vẫn là thách thức lớn.



Thị trường giàu tiềm năng

Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm, giai đoạn 2016-2018 tăng 10,55%/năm. Dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm. Theo ước tính, quy mô thị trường bán lẻ sau khi đạt mốc 70 tỷ USD năm 2010 và tăng lên đến 158 tỷ USD năm 2016 thì sẽ đạt 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, bán lẻ hiện đại chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2016.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng trưởng nhanh những năm gần đây - Ảnh: Minh Thái

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cũng cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển khá mạnh trong những năm gần đây với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng nhanh. Trong giai đoạn 2015-2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng so với năm trước khoảng 10,5 - 10,9%. Đến năm 2018, chỉ tiêu này tăng tới 11,7% (ước đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng) so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh các lợi thế lớn như: quy mô dân số hơn 93,7 triệu người; cơ cấu dân số trẻ với 60% dân số ở độ tuổi từ 18 - 50; chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực… Đây là những yếu tố tích cực thúc đẩy các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Hiện thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ, bao gồm cả DN trong nước và nước ngoài, đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Trong số các DN trong nước, một số tên tuổi nổi bật cũng đã xuất hiện như: Vinmart, Saigon Co.op, Hapro… với những chiến lược kinh doanh bài bản, hiệu quả.

Sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhìn chung, các DN bán lẻ Việt Nam chưa liên kết chặt chẽ với các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi. Trong khi đó, thị trường bán lẻ cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững.

Chính vì vậy, thị phần bán lẻ qua các kênh hiện đại tại Việt Nam hiện nay được đánh giá chưa xứng với tiềm năng. Bán lẻ qua các kênh hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 25%, thấp hơn so với các nước trong khu vực như: Philippines (chiếm 33%), Thái Lan (chiếm 34%), Trung Quốc (chiếm 51%), Malaysia (chiếm 60%) và Singapore (chiếm tới 90%). Các siêu thị, trung tâm thương mại chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, trong khu vực nội thành, còn khu vực ngoại thành và nông thôn đang bị bỏ ngỏ.

Phân tích về những động lực thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Lê Việt Nga đã đề cập đến yếu tố thực hiện các cam kết hội nhập. Theo đó, thị trường bán lẻ sẽ sôi động, đa dạng hơn rất nhiều nhờ việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan đối với nhiều nhóm mặt hàng nhập khẩu. Đây là cơ hội lớn để ngành bán lẻ Việt Nam thu hút dòng vốn từ ASEAN. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là khi vốn đầu tư nước ngoài vào bán lẻ tăng nhanh thì những lo ngại về hiện tượng báo lỗ để chuyển giá, trốn thuế như đã từng xảy ra sẽ lại xuất hiện. Do đó, cần phải kiểm toán, thanh tra để làm rõ các trường hợp DN bán lẻ báo lỗ nhằm tạo môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng và lành mạnh.

Trước thực tế hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ của các DN trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và chưa tương xứng với nhu cầu của khách hàng, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng, các DN muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cần quan tâm đến 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất là tốc độ, tức là tăng cường áp dụng công nghệ vào kinh doanh và quản lý nhằm đẩy mạnh tốc độ kết nối giữa DN và người tiêu dùng nhanh, hiệu quả. Thứ hai là thương hiệu, thể hiện thông qua việc DN đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thứ ba là chữ tín đối với khách hàng, trong đó bao gồm cả chất lượng dịch vụ và văn hóa kinh doanh.

Còn theo bà Lưu Bảo Vân - Giám đốc điều hành Dự án Intage Việt Nam - DN bán lẻ cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng đến tối ưu hóa đầu tư và vận hành. Bởi hoạt động bán lẻ không chỉ dừng lại ở việc khách hàng mua mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu, mà là cách họ đang mua như thế nào; điều gì của kênh bán hàng đó, nhà bán lẻ đó thực sự thu hút họ. Trong bối cảnh thị trường ngày càng có thêm sự thâm nhập của các nhà bán lẻ, cùng với đó là sự trỗi dậy của thương mại điện tử với mô hình bán lẻ đa kênh, hơn ai hết, DN bán lẻ phải thay đổi linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 28-3-2019
Cùng chuyên mục
  • Công nghiệp chế biến, chế tạo: Sản xuất và tiêu thụ tăng nhưng áp lực tồn kho vẫn lớn
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sản xuất công nghiệp quý I/2019 đạt mức tăng trưởng cao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Thêm tín hiệu đáng mừng là ngành khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm, khẳng định nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên.
  • Nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ và đường thủy nội địa
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 28/3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển quốc tế Australia tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Nâng cao hiệu quả ngành vận tải đường bộ Việt Nam và Chiến lược Phát triển bền vững ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam.
  • Sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN lĩnh vực văn hóa: Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo  an toàn vốn nhà nước
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Các DNNN do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) quản lý có kết quả kinh doanh thấp, thường xuyên thua lỗ. Trong khi đó, việc thực hiện chủ trương sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) các DN này đang rất chậm và kém hiệu quả.
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Tận dụng nền tảng kỹ thuật số để tiếp tục phát triển
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng phi thường trong lĩnh vực bán lẻ. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai khi Việt Nam có tới 40% dân số dưới độ tuổi 24 và hành vi tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ. Theo ước tính đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia ở khu vực Đông Nam Á, điều này đồng nghĩa với việc các kênh bán lẻ kỹ thuật số tại Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
  • Năng suất lao động thấp, Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đây là nhận định được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức chiều ngày 21/3, tại Hà Nội.
Cạnh tranh ngày càng “nóng” trên thị trường bán lẻ