Lĩnh vực dịch vụ ngày càng gia tăng vai trò trong chuỗi giá trị dầu khí

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2022, doanh thu lĩnh vực dịch vụ của Tập đoàn đạt 199,8 nghìn tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch năm, chiếm 34% tỷ trọng doanh thu hợp nhất và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động dịch vụ dầu khí ngày càng khẳng định vai trò trong chuỗi giá trị của PVN - Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

kt1.jpg
Người lao động dầu khí làm công tác dịch vụ. Ảnh: PVN

Chất lượng cung cấp dịch vụ ngày một nâng cao

Theo lãnh đạo PVN, dịch vụ dầu khí là một trong 5 lĩnh vực chính, có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn.

Những năm qua, các đơn vị của Tập đoàn tiếp tục phát huy thế mạnh, vai trò trong việc cung cấp dịch vụ. Đồng thời, các đơn vị cũng luôn có trách nhiệm, ý thức tận dụng tối đa các dịch vụ tốt của nhau nhằm thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ dầu khí ngày càng phát triển vững mạnh.

Thực tế cho thấy, chất lượng cung cấp dịch vụ của các đơn vị thành viên của PVN ngày càng được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của các đơn vị sử dụng dịch vụ.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực dịch vụ Tập đoàn đạt 199,8 nghìn tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch năm, chiếm 34% tỷ trọng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động dịch vụ dầu khí đã có những bước chuyển mình và ngày càng khẳng định được vai trò trong chuỗi giá trị của PVN - Tổng Giám đốc PVN chia sẻ nhưng đồng thời chỉ rõ vẫn còn một số nhóm vấn đề cần tháo gỡ. Cụ thể như chưa có kế hoạch tổng thể; chưa có sự tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh; sự liên kết, chia sẻ, phối hợp trong các lĩnh vực dịch vụ còn hạn chế. Vì vậy, PVN cần phải nghiên cứu, tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ trong Tập đoàn.

Đối với những thách thức phía trước, theo dự báo của các tổ chức kinh tế - tài chính uy tín, năm 2023 có nhiều biến động, khó khăn hơn năm 2022, nguy cơ suy thoái kinh tế luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các yếu tố kinh tế luôn biến động nhanh và bất ngờ.

Tình hình chính trị, kinh tế vĩ mô trên thế giới còn nhiều bất ổn, biến động của thị trường, chỉ số giá, tỷ giá… ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư của đơn vị tại tất cả các lĩnh vực của PVN.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ xu hướng này, ngành dầu khí nhận thấy cần thiết phải thúc đẩy, mở rộng các chuỗi liên kết nhằm tối ưu các nguồn lực vật chất, gia tăng hiệu quả đầu tư trong việc cung ứng dịch vụ dầu khí không chỉ cả trong và ngoài PVN.

Đây cũng là động lực, đòn bẩy để các đơn vị dịch vụ chủ động tìm các phương án hợp tác, liên kết phù hợp với năng lực, tăng khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ cho các dự án có quy mô lớn của PVN trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng, cần thiết phải tăng cường phân cấp tại các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ để tăng tính chủ động, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo sự liên kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị trong Tập đoàn.

kt2.jpg
Người lao động Vietsovpetro thực hiện bảo dưỡng chân đế giàn khoan. Ảnh: PVN

Cùng với đó, phải đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng, cung cấp được dịch vụ kỹ thuật liên quan đến sự chuyển dịch này không chỉ trong nước, mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật ra nước ngoài, khẩn trương đẩy mạnh tiến trình áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành và xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin chung trong toàn Tập đoàn.

Vươn tầm ra thị trường quốc tế

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, lĩnh vực dịch vụ dầu khí của PVN trong những năm qua không những đáp ứng tối đa thị trường ngành dầu khí, các ngành công nghiệp trong nước, mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài, đảm bảo đúng mục tiêu phát triển đã được Bộ Chính trị định hướng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các đơn vị dịch vụ đã từng bước khẳng định vị thế, năng lực không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Điều này cho thấy, mặc dù tỷ lệ tăng chưa cao song các đơn vị dịch vụ trong PVN đã dần định hướng ổn định để phát triển và gia tăng quy mô, tiêu biểu như tại PTSC, PVOIL…

Tuy nhiên, công tác dịch vụ của các đơn vị vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và tồn tại, đó là một số loại hình dịch vụ còn có sự chồng chéo do nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn cùng thực hiện. Sự phối hợp, hỗ trợ cùng phát triển giữa các đơn vị còn chậm, việc liên kết giữa các đơn vị trong cùng Tập đoàn để đáp ứng các dịch vụ dầu khí còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của Tập đoàn và mới chỉ dừng ở mức tạo điều kiện thực hiện...

kt3.jpg
Người lao động PV Power thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng turbine Nhà máy điện. Ảnh: PVN

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng nhìn nhận, trong giai đoạn vừa qua, những định hướng chiến lược của PVN đối với lĩnh vực dịch vụ đã đem lại những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trước tốc độ chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu hiện nay, đòi hỏi PVN cần phải có những định hướng triển khai cụ thể để thích nghi và tận dụng cơ hội gia tăng doanh thu của các đơn vị dịch vụ dầu khí thông qua khai thác năng lực và công nghệ dầu khí trong một số lĩnh vực có lợi thế với dịch chuyển năng lượng.

Trong số đó, đáng chú ý đến lĩnh vực: gia công chế tạo; lắp đặt các công trình khai thác dầu khí và hệ thống khai thác/vận chuyển dầu khí (EPCI); O&M và khoan...

Cũng theo dự báo, nhu cầu dịch vụ cho lĩnh vực E&P sẽ tăng đột biến từ nay đến 2030 trước áp lực của xu hướng chuyển dịch năng lượng. Tốc độ đầu tư trong lĩnh vực tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đã vượt năng lượng hóa thạch và sẽ tạo nhu cầu lớn cho dịch vụ kỹ thuật. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với sự tăng trưởng, phát triển của các đơn vị dịch vụ của PVN.

Trong khi đó, PVN đang hướng tới trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng, để tương xứng với tầm vóc và quy mô của PVN, lĩnh vực dịch vụ dầu khí cần trở thành “lĩnh vực dịch vụ năng lượng và công nghiệp”.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành dầu khí, để làm được điều đó, PVN cần điều chỉnh, tạo ra các mô hình kinh doanh để sử dụng tài sản đầu tư một cách hiệu quả hơn và tăng tính kết nối giữa các nguồn lực tại các đơn vị. Trong đó, mục tiêu chính là tiếp tục giữ vững thị phần các dịch vụ dầu khí truyền thống, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao; nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí.

Nhằm đạt mục tiêu đã định, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu phải hoàn thành phương án tái cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, đảm bảo vai trò là lĩnh vực kết nối các hoạt động của Tập đoàn.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành danh mục sản phẩm dịch vụ chủ lực của Tập đoàn theo từng giai đoạn; hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ thông qua đầu tư vốn và người đại diện; nâng cao mô hình quản trị phân cấp, phân quyền linh hoạt cho người đại diện của PVN tại các đơn vị…/.

Cùng chuyên mục
  • Tập đoàn Dầu khí Quốc gia - 48 năm phát triển cùng đất nước
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) được thành lập với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là trụ đỡ kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước. Sau 48 năm xây dựng và trưởng thành (03/9/1975 - 03/9/2023), PVN đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện.
  • PVN “lãnh ấn” tiên phong phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) không chỉ giữ vị trí, vai trò quan trọng, trụ cột của nền kinh tế quốc dân mà còn mang sứ mệnh tiên phong, mở đường trong lĩnh vực năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng.
  • Gỡ khó trong chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
  • Phấn đấu vượt tiến độ 3 hạng mục quan trọng của sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Chiều 31/8, tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) - dự Lễ Khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng với tổng mức đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.
  • SUV châu Âu Peugeot đưa ra ưu đãi hấp dẫn
    8 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Từ tháng 9/2023, THACO AUTO triển khai ưu đãi lên đến 40 triệu đồng dành cho các mẫu xe SUV. Peugeot. Giá xe sau ưu đãi chỉ còn từ 709 triệu đồng.
Lĩnh vực dịch vụ ngày càng gia tăng vai trò trong chuỗi giá trị dầu khí