PVN “lãnh ấn” tiên phong phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi

(BKTO) - Kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) không chỉ giữ vị trí, vai trò quan trọng, trụ cột của nền kinh tế quốc dân mà còn mang sứ mệnh tiên phong, mở đường trong lĩnh vực năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng.

anh-1-3-.jpg
Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Singapore chứng kiến trao nhận giấy phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Ảnh: PVN

Niềm tin của Đảng, Chính phủ dành cho PVN

Cuối tháng 8/2023, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã trao Quyết định chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển cho đơn vị thành viên của PVN, để chuẩn bị cho việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore. 

Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh, Việt Nam - Singapore đã thiết lập “Quan hệ đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh”, tạo điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới, hướng tới phát triển xanh, bền vững như năng lượng tái tạo, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Việc Dự án phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi của Liên danh PTSC (PVN) - Sembcorp (Singarpore) nhận được các giấy phép liên quan trong khuôn khổ chương trình đã thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ hai nước dành cho các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng tái tạo.

Với việc được trao giấy phép khảo sát, PTSC hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung. Điều này cũng thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với PVN và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực mới mẻ này tại Việt Nam.

Sự tin tưởng này có cơ sở vững chắc, xuất phát từ những nguồn lực sẵn có của PVN. Sau khi nước nhà được thống nhất, với sự ra đời của Tổng Cục Dầu mỏ và Khí đốt (tiền thân của PVN) vào ngày 03/9/1975, PVN đã được giao nhiệm vụ tiến hành khảo sát, thăm dò dầu khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả việc tiến hành thăm dò, khảo sát 2D, 3D trên biển để tiến hành vẽ bản đồ dầu khí và xác định những khu vực tiềm năng cho ngành dầu khí phát triển.

Lịch sử 48 năm ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các hoạt động trên biển đã tạo nên bề dày kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, PVN là đơn vị duy nhất đủ sức gánh vách trọng trách tiên phong trong việc thực hiện một lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Có thể nói, bên cạnh lực lượng hải quân, cảnh sát biển cùng các ngư dân thì những người dầu khí là những “chiến binh quen thuộc” với biển nhất. Từ việc thiết kế các giàn khoan đến việc xây dựng, lắp đặt, quản lý, vận hành các công trình biển, PVN và các đơn vị thành viên đã triển khai hiệu quả từ những năm 80-90 của thế kỷ trước.

Bên cạnh đó, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, những người lao động dầu khí đã dần tích lũy kinh nghiệm, làm chủ được công nghệ, đã tự chế tạo, lắp đặt, vận hành công trình dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở đó, những sản phẩm cơ khí chế tạo mang thương hiệu PVN đã được xuất khẩu ra thế giới, góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Đồng thời đánh đấu bước chuyển mình quan trọng của ngành dầu khí sang giai đoạn phát triển mới, mở ra những cơ hội mới cho PVN.

anh-3-3-.jpg
PTSC - đơn vị thành viên của PVN - lắp đặt cáp ngầm cho Dự án điện gió Tân Thuận. Ảnh: PVN

Phát triển thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng chủ lực

Hiện tại, PVN là Tập đoàn kinh tế lớn nhất trong số những doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giữ vai trò, vị trí chủ lực trong nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cũng như tham gia gìn giữ an ninh quốc phòng trên biển.

Với những đóng góp lớn của mình, trong Dự thảo Đề án phát triển DNNN quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định PVN sẽ là một "doanh nghiệp đầu đàn" phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt giữ vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng.

Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN chia sẻ: “Chuyển dịch năng lượng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học hỏi và luôn nhận thức đó là xu hướng tất yếu không thể thay đổi, PVN không thể đứng ngoài cuộc". Đây cũng là mục tiêu và là nhiệm vụ bắt buộc đối với PVN - Tập đoàn công nghiệp - năng lượng chủ lực của nền kinh tế.

Với sứ mệnh tiên phong đó, từ năm 2019, PVN đã bắt đầu xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển dịch năng lượng trên tinh thần triển khai mang tính liên tục, lâu dài.

PVN cũng điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt 8.000 - 14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5-10% tổng công suất đặt của PVN. Đến 2045, PVN phấn đấu nâng công suất đặt chiếm từ 8-10% tổng công suất Hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10-20% trong tổng công suất nguồn điện PVN.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi là một lĩnh vực mới mẻ với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Để triển khai các dự án này, bên cạnh việc có kinh nghiệm, năng lực trong việc thiết kế, thi công các công trình trên biển còn cần có tiềm lực tài chính.

Với những lợi thế sẵn có, cùng niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho PVN sẽ là “giấy chứng nhận” uy tín nhất để đảm bảo PVN thực hiện tốt sứ mệnh tiên phong của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam xanh và bền vững trong tương lai./.

Cùng chuyên mục
PVN “lãnh ấn” tiên phong phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi