Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần được giãn cách hợp lý

BÙI NGỌC TUẤN - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam | 15/08/2024 14:22

(BKTO) - Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được soạn thảo với sự đầu tư công phu và kỹ lưỡng bao gồm những thay đổi được đề xuất đã qua đánh giá toàn diện và chi tiết. Deloitte Việt Nam đồng thuận với mục tiêu của chính sách thuế TTĐB trong việc định hướng tiêu dùng và quản lý kinh tế vĩ mô.

ong-bui-ngoc-tuan-pho-tong-giam-doc-dich-vu-tu-van-thue-1-.jpg
Ông BÙI NGỌC TUẤN - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam

Vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong điều tiết vĩ mô kinh tế xã hội

Thuế TTĐB là một loại thuế gián thu, được áp dụng đối với một số hàng hóa và dịch vụ cụ thể mà Nhà nước xác định cần có sự điều tiết đặc biệt về sản xuất và tiêu dùng. Với cách hiểu như vậy, thuế TTĐB có các đặc điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, thuế TTĐB thuộc loại thuế gián thu. Thuế TTĐB được cấu thành trong giá bán hàng hoá, dịch vụ do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hoá, dịch vụ. Người nộp thuế TTĐB là người sản xuất hàng hóa, người nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB và người cung ứng dịch vụ chịu thuế TTĐB. Người chịu thuế TTĐB là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Thứ hai, thuế TTĐB là thuế tiêu dùng một giai đoạn. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, việc áp dụng thuế TTĐB một giai đoạn có thể khác nhau. Tại Việt Nam, thuế TTĐB chủ yếu được áp dụng ở giai đoạn sản xuất hoặc nhập khẩu. Ví dụ, đối với các sản phẩm rượu, bia, thuế TTĐB được áp dụng ngay từ khâu sản xuất, với mức thuế suất 65%. Điều này giúp nhà nước dễ dàng quản lý và thu thuế, đặc biệt khi các sản phẩm này thường có khả năng cao bị trốn thuế nếu chỉ đánh thuế ở giai đoạn bán lẻ.

Tuy nhiên, ở các quốc gia phát triển, ví dụ như ở Mỹ, thuế TTĐB thường được áp dụng ở khâu bán lẻ. Việc này đảm bảo rằng thuế được thu dựa trên giá bán cuối cùng, từ đó tối đa hóa doanh thu thuế cho chính phủ. Ở Việt Nam, với một hệ thống quản lý thuế chưa hoàn toàn hiện đại hóa, việc đánh thuế TTĐB ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu vẫn là lựa chọn tối ưu.

Thứ ba, phạm vi điều tiết của thuế TTĐB không rộng. Số lượng đối tượng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB thường không nhiều và thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Thuế TTĐB đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế và xã hội ở mức độ vĩ mô, mặc dù phạm vi điều tiết của nó không rộng. Những đặc điểm sau đây cho thấy rõ tầm quan trọng của thuế TTĐB:

Công cụ thu ngân sách hiệu quả: Thuế TTĐB là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2017-2020, thuế TTĐB đã đóng góp từ 8,3% đến 8,8% tổng thu ngân sách. Đến năm 2023, tỷ lệ này tăng lên khoảng 9,2%, phản ánh sự gia tăng trong tiêu dùng các mặt hàng chịu thuế TTĐB như rượu, bia, thuốc lá và ô tô.

Điều này minh chứng rằng, mặc dù chỉ tập trung vào một số ít mặt hàng và dịch vụ, thuế TTĐB vẫn tạo ra nguồn thu lớn nhờ vào đặc tính dễ thu và mức thuế suất cao đối với các mặt hàng chịu thuế. Với các sản phẩm như thuốc lá, rượu bia và ô tô, thuế TTĐB tạo ra một mức thu đáng kể, nhờ vào nhu cầu cao và giá trị lớn của những sản phẩm này.

Điều tiết thu nhập và công bằng xã hội: Thuế TTĐB cũng có vai trò trong việc điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Bằng cách áp dụng mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm xa xỉ hoặc có tính tiêu thụ cao trong giới có thu nhập cao, thuế TTĐB gián tiếp làm giảm chênh lệch giàu nghèo. 

Công cụ quản lý vĩ mô: Từ góc độ vĩ mô, thuế TTĐB đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Đối với những sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng như thuốc lá và rượu bia, thuế TTĐB không chỉ là một công cụ thu thuế mà còn là biện pháp kiểm soát và hạn chế tiêu dùng. Điều này chứng minh rằng thuế TTĐB không chỉ tạo ra nguồn thu cho ngân sách mà còn có tác dụng điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm chi phí y tế cho nhà nước.

Như vậy, thuế TTĐB không chỉ là một công cụ tài chính hiệu quả mà còn là một phần quan trọng của chiến lược quản lý vĩ mô, hướng dẫn tiêu dùng và đảm bảo công bằng xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển, vai trò của thuế TTĐB càng trở nên quan trọng hơn, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt và hiệu quả để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Phương pháp tính thuế

Về phương pháp tính thuế TTĐB, hiện nay, trên thế giới, đối với mặt hàng đồ uống có cồn có 3 phương pháp chính để áp dụng tính thuế TTĐB. Các phương pháp đánh thuế này hiện đều có ưu điểm và hạn chế riêng.

Trong đó, phương pháp thuế tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm) đang được áp dụng bởi Việt Nam, Lào, Campuchia…. sử dụng cách tính thuế lũy tiến. Cách tính này không ổn định, khó dự báo trước về nguồn thu.

Phương pháp tính thuế tuyệt đối đang được sử dụng nhiều bởi các nước Tây Âu, Singapore, Brunei, Indonesia, Australia, Canada, Nhật Bản, Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, hầu hết các nước OECD (trừ Hàn Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ). Đa số các nước sử dụng phương pháp thuế tuyệt đối theo số lít cồn nguyên chất, riêng Brunei và Indonesia áp dụng phương pháp thuế tuyệt đối theo số lít chất lỏng.

Phương pháp tính thuế tuyệt đối giúp các nước tự điều chỉnh thuế theo lạm phát, đóng vai trò như công cụ bình ổn nền kinh tế. Tuy nhiên, không công bằng giữa các sản phẩm cùng LPA (Lít cồn nguyên chất), dẫn đến khuyến khích sử dụng sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp. Thuế bị ảnh hưởng từ chiến lược giá của nhà sản xuất; Chi phí quản lý nhà nước lớn do dựa trên giá.

Phương pháp tính thuế hỗn hợp hiện được sử dụng bởi các nước Đông Âu, Philippines, Malaysia và Thái Lan có ưu điểm: Khắc phục điểm bất lợi của thuế tương đối về khuyến khích giảm giá thành sản phẩm bằng một mức thuế sàn tuyệt đối; Thuế sẽ cao hơn với sản phẩm có giá trị cao hơn - đóng vai trò như thuế thu nhập; Nguồn thu ổn định hơn và tự điều chỉnh theo lạm phát; Đảm bảo được các mục tiêu về hạn chế lạm dụng rượu bia, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hệ thống thuế phức tạp dẫn đến phát sinh chi phí lớn cho cả quản lý nhà nước và các nhà sản xuất; Không đảm bảo công bằng giữa các sản phẩm cùng LPA.

Hiện nay, các nước phát triển đã dịch chuyển từ phương pháp tính thuế tương đối sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tuyệt đối. Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận xu hướng phát triển này của thế giới, tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và tiếp thu ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia cho thấy, đặc thù thị trường bia trong nước có tới 80% thị phần là bia phổ thông và bia địa phương, có giá chênh lệch rất lớn so với dòng bia cao cấp.

Do đó, nếu áp dụng thuế hỗn hợp và thuế tuyệt đối ở thời điểm hiện tại sẽ dẫn đến việc không công bằng trong việc đánh thuế khi các doanh nghiệp bia phổ thông phải đóng thuế nhiều hơn, lượng doanh thu giảm gián tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cụ thể là công ăn việc làm tại những doanh nghiệp ở phân khúc 80% thị phần này.

Bộ Tài chính đã cân nhắc và giữ nguyên phương pháp tính thuế đối với mặt hàng rượu, bia (Theo mục 2.4.2 phần V Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi số 41/BC-BTC ngày 29/02/2024). Với việc qui chiếu đặc điểm thuế TTĐB áp dụng một giai đoạn, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội tại quốc gia ở thời điểm đang áp dụng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này của Bộ Tài chính.

Về thuế suất thuế TTĐB, theo Bộ Y tế, mặc dù mặt hàng rượu, bia đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2018, sức mua rượu, bia của người dân Việt Nam vẫn tăng, mức điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB chưa thực sự đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuế bia rượu ở Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40% - 85% giá bán lẻ, do đó Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế TTĐB thêm ít nhất 10% để giảm lượng tiêu dùng, từ đó kiểm soát các tác hại của bia, rượu.

Dự thảo Luật Thuế TTĐB hiện đang đề xuất tăng mức thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm đối với mặt hàng rượu, bia theo từng năm, trong đó dao động tăng thêm từ 15% - 35% so với mức thuế suất thuế TTĐB của từng mặt hàng trong nhóm này theo luật hiện hành (tức là giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo).

Về cơ bản, chúng tôi ủng hộ quyết định tăng thuế TTĐB của Ban soạn thảo đối với các mặt hàng có tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng từ góc độ kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi xét đến những phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh rượu, bia và thuốc lá.

Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý

Các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia và thuốc lá đã phản ánh rằng việc tăng thuế suất TTĐB liên tục trong những năm gần đây đã gây ra áp lực lớn, vượt quá khả năng thích nghi của họ. Sản lượng tiêu thụ giảm, chi phí vận hành tăng cao, và chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến cho quá trình phục hồi của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc tăng thuế suất TTĐB trong giai đoạn này có thể làm trầm trọng thêm tình hình, khiến doanh nghiệp không kịp thích nghi, dẫn tới nguy cơ phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

Thực tế quan sát của Deloitte cho thấy, khi giá rượu bia chính ngạch tăng do tăng thuế TTĐB, người tiêu dùng lại có xu hướng chuyển sang dùng các loại rượu bia nhập lậu, làm giả, sản xuất trái phép, dẫn đến tình trạng thất thu nghiêm trọng hơn cho ngân sách nhà nước mà sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hơn do sử dụng sản phẩm giả hoặc kém chất lượng.

Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia không chính ngạch tại Việt Nam những năm qua là khoảng trên dưới 60% trên tổng lượng tiêu thụ. Nói cách khác, khoảng gần 2/3 lượng rượu bia được tiêu thụ tại Việt Nam có thể xuất phát từ nguồn nhập lậu hoặc sản xuất cá thể. Theo nghiên cứu, giá cả phải chăng và phù hợp với mức mua là một trong những yếu tố chính dẫn đến việc người tiêu dùng trên khắp thế giới tiêu thụ đồ uống có cồn bất hợp pháp.

Trong các cuộc khảo sát tại các quốc gia khác nhau (Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Sri Lanka, Kenya, Botswana, Nga, Brazil và Belarus), một tỷ lệ đáng kể số người được hỏi cho biết giá cả là lý do chính khiến họ chọn các sản phẩm đồ uống có cồn bất hợp pháp và không được ghi nhận thay vì các sản phẩm hợp pháp có thương hiệu. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với bộ phận người tiêu dùng có thu nhập thấp và những người nghiện đồ uống có cồn.

Mặc dù việc tăng thuế TTĐB có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách nhưng mức tăng quá nhanh và cao đột ngột có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Cụ thể, việc tăng thuế có thể làm thu hẹp quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến lãng phí dây chuyền sản xuất và thiết bị đã đầu tư, cũng như tăng tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm lao động.

Bên cạnh đó, thu nhập của người nông dân trồng thuốc lá và các nguyên liệu khác để sản xuất bia, rượu cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo sự suy giảm trong các ngành liên quan. Thời gian qua, ngành bia rượu cũng đã chứng kiến những sụt giảm trong tiêu thụ rượu bia từ việc thực thi quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo nguyên lý Đường cong Laffer và lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu ngân sách từ thuế của chính phủ, khi tăng thuế quá cao vượt điểm giới hạn thì sẽ làm giảm tổng thu ngân sách của chính phủ. Một số quốc gia phát triển và đang phát triển đã ghi nhận tác động tiêu cực khi thuế suất đối với đồ uống có cồn bị vượt điểm tới hạn dẫn tới việc ngân sách của Chính phủ bị hụt thu nghiệm trọng ngay lập tức.

Với việc tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm rượu bia trong thời gian tới của Việt Nam, chúng tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều tác động tiêu cực đối với sự phát triển của ngành rượu bia trong nền kinh tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung mà còn tạo ra những bất ổn xã hội trong giai đoạn sắp tới.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, Ban soạn thảo Luật Thuế TTĐB cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế TTĐB trong thời gian tới.

Trên cơ sở các thông tin đánh giá tác động đầy đủ, Ban soạn thảo cân nhắc đề xuất áp dụng mức thuế suất TTĐB thấp hơn so với dự thảo hiện tại, nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay còn nhiều thách thức. Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá và tiến tới chỉ dừng ở mức thuế suất tối đa là 80% để doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp./.

Cùng chuyên mục
Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần được giãn cách hợp lý