Lợi ích cá nhân phải đặt dưới lợi ích tập thể

(BKTO) - Chủ trương tinh gọn bộ máy được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; bên cạnh đó một số ít ý kiến cũng bày tỏ những tâm tư, trăn trở. Tuy nhiên, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, việc cải cách để tinh gọn, bảo đảm cho bộ máy công quyền hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một đòi hỏi tất yếu. Đây là thời điểm chín muồi, hội tụ các yếu tố cần và đủ để chúng ta thực hiện cuộc cách mạng của thời đại mới, vì tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc.

3(2).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 - đã chủ trì Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP

Mỗi người phải tự làm “cách mạng” trong chính suy nghĩ của mình

Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18) được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận kỹ lưỡng và quyết định ban hành ngày 25/10/2017. Sau hơn 7 năm thực hiện, Nghị quyết 18 đã có những kết quả bước đầu. Các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đang tiến hành tổng kết việc thực hiện và nhiều nơi đã công bố những số liệu đáng tin cậy. Nhìn tổng thể, việc thực hiện Nghị quyết 18 đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, kết quả đạt được theo yêu cầu đề ra vẫn còn khiêm tốn; cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ... Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế”, bởi vậy “cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.

Chủ trương này được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, nước ta vẫn được đánh giá là điểm sáng. Nhưng không vì vậy mà “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, khó khăn phía trước vẫn còn nhiều. Nếu không đổi mới, đổi mới một cách quyết liệt, triệt để thì khó mà phát triển toàn diện, hoàn thành được các mục tiêu, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhận thức, trách nhiệm của một số đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế. Một số ít cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo các cấp không tránh khỏi những tâm tư, trăn trở.

Sự trăn trở này cũng dễ hiểu khi có sự thay đổi, điều chỉnh các nội dung công việc có liên quan mật thiết đến cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần nhận thức rõ ràng, khi một tổ chức, đơn vị được thành lập thì hiển nhiên tập thể đó có lý do tồn tại, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội trong bối cảnh, tình huống nhất định. Nhưng khi hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi, yêu cầu của xã hội có sự biến động thì lý do tồn tại hoặc tồn tại độc lập của đơn vị, tổ chức đó không còn nữa và việc sắp xếp lại để cả hệ thống trở nên gọn, nhẹ, “dễ bay cao” là điều tất yếu. Lợi ích cá nhân phải đặt dưới lợi ích tập thể, lợi ích tập thể nhỏ phải đặt dưới lợi ích của tập thể lớn, của xã hội, của đất nước. Do đó, mỗi người cũng phải tự làm “cách mạng” trong chính suy nghĩ của mình, coi đây là cơ hội để thay đổi, tìm hướng đi mới cho bản thân. Chính trong những khoảnh khắc này, phẩm chất, đạo đức và sự hy sinh của cán bộ, đảng viên thực sự được thử thách.

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Trong lần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được Đảng ta triển khai lần này, dự báo trước những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của một số cá nhân, tổ chức khi tiến hành tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải tiến hành một cách khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản, đảm bảo sau tinh gọn, sắp xếp, bộ máy của hệ thống chính trị được vận hành trơn tru, đồng bộ, giảm tầng nấc trung gian.

Tại Hội nghị của Chính phủ triển khai việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 18, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đây là việc khó, thậm chí rất khó nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm, vì hiện nay bộ máy cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, nhiều cấp hành chính dẫn tới nhiều công việc ách tắc. Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, thậm chí nhiều vấn đề nan giải mà cuộc cách mạng hiện nay sẽ phải đối diện, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang cho thấy vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng và điểm tựa của niềm tin cho Nhân dân cả nước. Điều này phần nào thể hiện qua phát biểu của Thủ tướng tại nhiều hội nghị, cuộc họp gần đây: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi". Quan điểm rõ ràng, dứt khoát của người đứng đầu Chính phủ đang cho thấy sự quyết tâm cao độ trong quá trình hành động vì tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tinh gọn bộ máy không chỉ là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn là “cuộc cách mạng giải phóng tư tưởng để tất cả chúng ta cùng thay đổi, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”; nhất là thay đổi tư duy, tầm nhìn và nhận thức mới và đặc biệt là cải cách đổi mới và phát triển, phát huy tốt nhất nhân tố con người, nhằm thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.

Mặc dù quá trình tinh gọn bộ máy đụng chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều người, nhưng các chính sách hỗ trợ hợp lý và công bằng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho những người bị ảnh hưởng. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta rất nhân văn, giải quyết “thấu tình, đạt lý” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn tâm lý xã hội và cuộc sống của những đối tượng bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã hoàn thành Dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong sắp xếp tổ chức bộ máy. “Quan trọng nhất là sau khi sắp xếp, có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan ổn định cuộc sống, trên tinh thần chính sách cũng phải mang tính cách mạng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư trong quá trình tinh gọn bộ máy có thể an tâm phần nào khi họ được chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất trong quá trình thay đổi lớn này./.

Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2024, về kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của Bộ, ngành, địa phương (tính đến ngày 30/10), tổng số biên chế tinh giản là 16.149 người; trong đó Bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người.

Cùng chuyên mục
Lợi ích cá nhân phải đặt dưới lợi ích tập thể