Nhiều ngân hàng tăng nguồn thu nhờ bancassurance. Ảnh minh họa
Ngân hàng tăng nguồn thunhờ bancassurance
Nhìn lại năm 2020, có thể thấy, nhiều thương vụ lớn giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đã được ký kết thành công, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đơn cử, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Tập đoàn Tài chính Manulife ký kết thỏa thuận nhằm thiết lập quan hệ hợp tác về phân phối bảo hiểm trong vòng 16 năm. Với thỏa thuận này, Manulife được phân phối bảo hiểm thông qua hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc của VietinBank. Giới phân tích ước tính, mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận với Manulife là khoảng 350 triệu USD. Cũng trong năm 2020, một thương vụ bancassurance khác đáng lưu ý là hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Sunlife Việt Nam. Theo đó, từ ngày 01/01/2021, ACB đã chính thức phân phối độc quyền các sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam trong vòng 15 năm. Khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing - TS. Nguyễn Văn Hiến - nhận định, việc liên kết với công ty bảo hiểm giúp ngân hàng có nhiều lợi thế trong phát triển kinh doanh, khai thác dịch vụ. Tham gia phân phối bảo hiểm, ngân hàng được chia lợi nhuận, không phải tăng nguồn vốn dự trữ bắt buộc như các dịch vụ khác.
Thực tế cũng cho thấy, trong năm 2020, nhiều ngân hàng đã tăng nguồn thu đáng kể từ dịch vụ bancassurance. Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về cho Ngân hàng gần 5.850 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với năm 2019; thu từ kinh doanh bảo hiểm chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MB. Còn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), kinh doanh dịch vụ bảo hiểm mang về 2.575 tỷ đồng, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong khoản thu từ hoạt động dịch vụ.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng là một trong những nhà băng gia tăng lợi nhuận từ bancassurance với lãi thuần dịch vụ năm 2020 tăng 53,4% so với năm 2019, đạt 6.608 tỷ đồng. Vietcombank ghi nhận 1.500 -1.800 tỷ đồng phí trả trước trong quý IV/2020 từ thỏa thuận bancassurance với Công ty TNHH FWD Việt Nam. Bancassurance còn là động lực tăng trưởng chính cho mảng dịch vụ của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) khi đóng góp hơn 41% nguồn thu; thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm của VIB năm 2020 đạt trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2019.
Theo các chuyên gia, bancassurance là xu hướng phát triển tất yếu và động lực tăng trưởng quan trọng của các ngân hàng. “Đây là cách để các ngân hàng có thể nâng cao thu nhập mà không cần phân bổ nhiều vốn, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu nhờ đó mà có thể tăng rất nhanh”, ông Matthew Smith - Giám đốc Nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán YUANTA Việt Nam - nhận định.
Tiếp tục là động lực tăng trưởngcho ngân hàng
Trên đà phát triển, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Nguồn thu từ bancassurance của nhiều nhà băng cũng sẽ tăng trưởng tốt. Trung tâm Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI ước tính, thu nhập phí ròng của Vietcombank năm 2021 tăng 8,2% nhờ bancassurance tăng 60%; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) kỳ vọng vào bancassurance với mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.200 tỷ đồng trong năm 2021 và đến năm 2023, Ngân hàng này sẽ lọt vào top 3 về doanh số bancassurance…
FiinGroup cũng dự báo, trên đà tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 14,9% năm 2020, ngành ngân hàng sẽ đạt chỉ tiêu này ở mức 18,2% năm 2021. Triển vọng tích cực này của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn như: Vietcombank, VietinBank, ACB và HDBank đến từ hoạt động tín dụng và kinh doanh dịch vụ, trong đó có bancassurance.
Báo cáo triển vọng thị trường 2021 do Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt công bố đầu tháng 1 cho thấy, tỷ trọng phí thu từ kênh bancassurance trong tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 9 tháng năm 2020. Song con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia như: Tây Ban Nha 72%, Italia 70%, Pháp 60%. Như vậy, dư địa tăng trưởng của kênh phân phối bancassurance vẫn còn rất lớn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nhiều yếu tố khác sẽ tạo điều kiện cho bancassurance phát triển. TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Cuộc sống với nhiều rủi ro khiến người dân quan tâm hơn tới công cụ bảo hiểm để đảm bảo ổn định về tài chính. Trong khi đó, ông Matthew Smith lạc quan, nhiều công ty bảo hiểm đang hướng đến việc mở rộng thị trường tại Việt Nam và quan tâm hơn tới việc sử dụng ngân hàng làm kênh phân phối chính. Đây chính là tiền đề cho các thương vụ bancassurance giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm trong thời gian tới.
Giới chuyên gia nhận định, hiện tại, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng tăng lên 30% năm 2020 và có thể tăng lên 40 - 50% trong những năm tới. Tốc độ gia tăng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, sự mở rộng của các công ty bảo hiểm là động lực để bancassurance tiếp tục phát triển và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2021.
Bancassurance là mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng. Trong quan hệ đối tác này, nhân viên ngân hàng và giao dịch viên trở thành điểm bán hàng và điểm liên lạc cho khách hàng. Ngân hàng tăng thêm doanh thu nhờ bán các sản phẩm bảo hiểm, trong khi các công ty bảo hiểm có thể mở rộng cơ sở khách hàng mà không phải tăng lực lượng bán hàng hay trả hoa hồng cho các đại lý bảo hiểm hoặc môi giới. |
THÀNH ĐỨC