Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ có sự phân hoá lớn trong năm 2024

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành ngân hàng vẫn còn đó những nỗi lo tăng trưởng trong năm 2024, tác động tới những cổ phiếu của ngành trong năm tới.

ngan-hang-5.jpg
Lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng năm 2024 được dự báo sẽ có sự phân hóa. Ảnh: Hải Nguyễn

Việc tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng này vẫn đạt mức thấp so với mục tiêu 14-15% đặt ra, khiến Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải liên tục có các động thái nhằm đẩy nhanh việc bơm vốn hỗ trợ thị trường.

Cụ thể, theo dữ liệu báo cáo mới nhất của NHNN, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022. Mức tăng trưởng này tuy đã gần đạt mốc hai con số nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành 14%.

Tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu cao, khiến bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý IV/2023 và cả năm 2023 tăng trưởng thấp. Theo dữ liệu từ 28 ngân hàng đã có báo cáo tài chính, 8 ngân hàng có lợi nhuận chưa qua mốc 50% kế hoạch năm, thậm chí có ngân hàng mới thực hiện được 15-30%. Phần còn lại đã hoàn tất được 50-60% kế hoạch năm.

Bước sang năm 2024 được dự báo khó khăn đối với các ngân hàng, trong đó, nợ xấu sẽ ăn mòn lợi nhuận. Nhưng các ngân hàng dần cạn của để dành, nên khó tăng trích dự phòng ở mức cao, làm giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Gọi tên các nỗi lo của ngành ngân hàng năm 2024, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, trong năm tới, ngành ngân hàng sẽ đối mặt với vấn đề rủi ro suy giảm chất lượng tài sản.

Theo MBS, hầu như các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng tại quý III/2023 so với đầu năm và các quý liền trước. Trung bình, các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Nhà nước có mức tăng 0,4% so với đầu năm, con số này ở nhóm NHTMCP là 0,7%.

MBS cho rằng, sang năm 2024, áp lực trích lập dự phòng được dự báo vẫn sẽ lớn. Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn ngành đang có xu hướng tích cực nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn đáng kể.

Nguyên nhân đến từ việc dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan, do đó khi hiệu lực của Thông tư 02/2023/NHNN-TT hết hạn vào 30/6/2024 (đang được NHNN cân nhắc gia hạn) áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM (biên lãi ròng) được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì, lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng đều được kỳ vọng khả quan, dự báo sẽ tăng trưởng 25,1% so với cùng kỳ trong 2024.

MBS cũng cho rằng, sang năm 2024, lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khả quan dù áp lực trích lập dự phòng vẫn còn lớn MBS dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 13% - 14% trong 2024.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng duy trì dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng giảm tốc đi ngang trong năm 2023 và có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Trong bối cảnh này, triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng được VCBS đánh giá đang ở mức phù hợp thị trường với định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 18% so với mức trung bình 5 năm./.

Cùng chuyên mục
Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ có sự phân hoá lớn trong năm 2024