Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh Long An có 141/160 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; cấp huyện có 5/15 đơn vị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (gồm: Huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Giuộc, TP.Tân An và thị xã Kiến Tường), có 1 huyện là Châu Thành được công nhận huyện NTM nâng cao. Các chỉ tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi Long An đang phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân.
Từ khi thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao, người dân luôn đồng tình, đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch và tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đáng chú ý, qua 3 năm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An tiếp tục huy động trên 98 tỉ đồng để đầu tư theo chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đường liên xã, liên ấp, trục chính nội đồng được đổ bê tông, rải nhựa, bảo đảm cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất và dân sinh; 100% hộ dân sử dụng điện; trường học ở 3 cấp học đạt chuẩn quốc gia; 7/7 ấp có nhà văn hóa bảo đảm cho sinh hoạt của người dân; 1.825/1.825 nhà đạt tiêu chuẩn; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt gần 66 triệu đồng/năm; hộ nghèo chỉ còn 0,33%; 100% hộ dân sử dụng nước sạch...Với kết quả đạt được, Vĩnh Công là xã thứ 10/12 của huyện Châu Thành và là xã thứ 22/161 của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năng cao.
Tổng nguồn lực huyện Châu Thành huy động giai đoạn 2021-2025 gần 650 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 48,7 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 92,5 tỉ đồng, huyện 448,6 tỉ đồng, xã 27,2 tỉ đồng và nguồn huy động từ nhân dân hơn 32,1 tỉ đồng.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 2 huyện nông thôn mới nâng cao và huyện Châu Thành đạt nông thôn mới kiểu mẫu; đối với cấp xã, phấn đấu có 142 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu./.
Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc của toàn xã hội.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Đinh Thị Phương Khanh, xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đã tích cực triển khai thực hiện chương trình xây dựng xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Trong đó, để xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, qua quá trình triển khai thực hiện, các địa phương đã rút ra được các kinh nghiệm hữu ích và dựa trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Các địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nhận thức để cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn hiểu đúng, đủ về ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới; Tập trung khai thác có hiệu quả các công trình đã được đầu tư; giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng Nông thôn mới; gắn xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa và đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa nhóm các tiêu chí về kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường…
Để có được những kết quả đáng ghi nhận, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng, kết quả tích cực, hành động quyết liệt của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Long An còn có sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới không chỉ là việc xác nhận báo cáo tài chính, kết quả thực hiện các mục tiêu đã đề ra, mà quan trọng hơn là đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách.
Theo KTNN chuyên ngành IV, năm 2025 là năm cuối thực hiện các chương trình MTQG, vì vậy, để đánh giá tổng thể tác động của các Nghị quyết của của Quốc hội, Quyết định phê duyệt chương trình MTQG của Chính phủ, KTNN tập trung đánh giá kết quả đạt được so với tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; việc tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí quy định của các chương trình trong công tác lập, phân bổ, giao dự toán và kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia; việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương theo tỷ lệ quy định; công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình; việc tuân thủ các quy định của chương trình trong việc xác định đối tượng, nội dung chi và tiếp tục đánh giá các bất cập về cơ chế, chính sách sau khi đã được sửa đổi, bổ sung.