Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: TTXVN
Quy định cơ chế chia sẻ rủi rochặt chẽ hơn
Tại Phiên họp, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Theo Ủy ban Kinh tế, Dự án Luật đã được tiếp thu, sửa đổi theo hướng không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 52. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại khoản 2, Điều 83 Dự thảo Luật, gồm: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành)và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Đặc biệt, việc chia sẻ giảm doanh thu chỉ được xem xét khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Theo đó, tỷ lệ chia sẻ rủi ro và lợi nhuận được xác định là 50% - 50%. Cụ thể, khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu. Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu.
Qua thảo luận, đa số ý kiến trong UBTVQH đồng tình việc cần thiết chia sẻ khi tăng, giảm doanh thu, nhằm tạo cơ chế mở để thu hút các nhà đầu tư, nhất là khi do lỗi của Nhà nước như thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, quy định phải thể hiện tư duy cởi mở khi có sự đan xen sở hữu để huy động vốn giữa Nhà nước và tư nhân, qua đó thu hút nhà đầu tư. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình về tỷ lệ chia sẻ tăng, giảm doanh thu là 50% - 50% để bảo đảm tương thích.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nếu không có chế định chia sẻ rủi ro thì khó tạo sức hút, tạo động lực của Luật này. Kinh nghiệm quốc tế đều có sự chia sẻ trong PPP. Về tỷ lệ, nếu tăng thu chia sẻ 50% - 50% thì hụt thu, thất thu do lỗi khách quan và chủ quan của Nhà nước thì cũng cần chia sẻ như nhau.
Xác định mức “trần” điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
Liên quan đến quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, sau Phiên họp thứ 43 của UBTVQH, Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Khi tổng mức đầu tư dự án PPP tăng so với tổng mức đầu tư đã được quyết định tại bước chủ trương đầu tư dự án thì phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư vì cho rằng việc tăng tổng mức đầu tư sẽ làm thay đổi phương án tài chính cũng như hiệu quả của dự án PPP. Theo cơ quan thẩm tra, quy định này nhằm quản lý chặt chẽ dự án, tránh tình trạng lách luật (cố tình lập dự án với tổng mức đầu tư thấp, sau khi được phê duyệt lại điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư), tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lập, trình dự án PPP và cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Phương án 2: Để hạn chế việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, Dự thảo Luật quy định trường hợp thay đổi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự án PPP có thời gian rất dài, từ khi lập cho đến khi xây dựng dự án, đầu tư, vận hành có sự điều chỉnh rất nhiều. Nếu điều chỉnh nhỏ mà phải quay lại bước chủ trương đầu tư sẽ thêm thủ tục rất phức tạp, kéo dài thời gian đầu tư, làm giảm hiệu quả dự án. Vì vậy, theo Bộ trưởng, chỉ nên điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khi thay đổi tổng mức đầu tư từ 10% trở lên. Tuy nhiên, điều chỉnh đến mức độ nào để không quá lớn, làm sai lệch dự án thì cần nghiên cứu, quy định chặt chẽ.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định để vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa nâng cao trách nhiệm của người thẩm định, người ra quyết định đầu tư. Việc điều chỉnh chỉ được thực hiện khi đã sử dụng hết nguồn dự phòng mà quy mô dự án tăng thêm trên 10%, đồng thời phải quy định mức trần, tránh tùy tiện điều chỉnh. “Phải khống chế là điều chỉnh đến mức độ nào chứ không thể điều chỉnh như một loạt các dự án đầu tư công vừa qua gần như tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 10 lần” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Về hoạt động KTNN đối với dự án PPP, Dự thảo Luật tiếp thu, bổ sung quy định KTNN tham gia kiểm toán ở 4 giai đoạn: kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP; kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có), hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT; kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP; khi chuyển giao cho Nhà nước, KTNN thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP. Qua thảo luận, UBTVQH khẳng định, các dự án PPP phải được kiểm toán vì đây là tài sản công. Tuy nhiên, kiểm toán khi nào và khâu nào cho phù hợp thì cần tiếp tục rà soát, cân nhắc, tránh gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư. |
Đ.KHOA