Phiên họp bàn tăng lương tối thiểu lần thứ nhất vừa kết thúc được đánh giá là không mang lại nhiều kết quả tích cực. Ông có nhận xét gì về kết quả này?
Cũng như nhiều phiên họp khác trước đó, Phiên họp lần này cũng chưa thể đạt được đồng thuận giữa các bên, chưa kể, mức đề xuất được các bên đưa ra khá xa nhau. Trong khi giới đại diện cho NLĐ là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng LTTV năm 2020, trong đó có phương án tăng tới 8,18% thì bên giới chủ sử dụng lao động, đại diện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đề nghị mức dưới 3%, còn bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng 5,2%.
Ông Phạm Minh Huân |
♦ Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho các bên còn bất đồng, không tìm được tiếng nói chung?
Theo tôi, có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất bắt nguồn từ việc xác định “mức sống tối thiểu” vẫn chưa có căn cứ thuyết phục các bên. Theo Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành, căn cứ xác định tiền lương tối thiểu là dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội, giá cả sức lao động trên thị trường. Trong đó, nhu cầu sống tối thiểu là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định mức lương tối thiểu, hiện nay, mức sống tối thiểu đang dựa theo các tiêu chí như: nhu cầu lương thực thực phẩm; nhu cầu phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con.
Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu trong thực tiễn ra sao không phải đơn giản. Đơn cử, theo cách tính của bộ phận kỹ thuật thì mức tăng 5,2% đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Còn theo cách tính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì mức tăng 5,2% chưa đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, mà phải là ở khoảng 7 - 8%. Vì thế, trước phiên họp tiếp theo, Hội đồng Tiền lương quốc gia nên thảo luận và thống nhất với nhau về mức sống tối thiểu.
Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là do tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động, giá cả thị trường tăng nhiều hơn giảm, DN cũng chịu nhiều tác động xấu, dẫn đến kinh doanh khó khăn nên không muốn phát sinh thêm chi phí để tập trung đầu tư sản xuất. Còn NLĐ vốn có cuộc sống khó khăn, nay chịu thêm tác động từ giá cả thị trường... nên rất muốn được cải thiện mức thu nhập. Điều đó dẫn đến những ý kiến trái chiều giữa các bên và sự trái chiều này tồn tại biện chứng trong quan hệ lao động, tức là không bao giờ mất đi.
♦ Thưa ông, mức LTTV năm 2020 nên tăng bao nhiêu là phù hợp?
Không nên bàn sớm là bao nhiêu phần trăm LTTV 2020 mà bây giờ quan trọng là tiền LTTV đạt bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Muốn làm được như vậy thì phải xác định chính xác mức sống tối thiểu hiện nay đạt tới bao nhiêu phần trăm. Thực tế không thể phủ nhận là lương tối thiểu vùng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Mức lương thực nhận của NLĐ thấp hơn nhiều so với tiền lương danh nghĩa, do chịu tác động của giá cả thị trường tăng giảm bấp bênh.
Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN có quy định, thực hiện điều chỉnh tăng mức LTTV phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Như vậy, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW là một trong những yêu cầu, cơ sở cần được xem xét để xác định mức tăng LTTV cho phù hợp. Bên cạnh đó, trong kỳ đàm phán LTTV diễn ra tới đây, mức điều chỉnh LTTV nên hài hòa giữa hai bên là khoảng 5,5%. Tất nhiên, việc xác định mức tăng bao nhiêu là do Chính phủ quyết định, song mức tăng đó phải cân đối lợi ích giữa các bên và phải đảm bảo được ổn định, an sinh xã hội.
♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019