Phân bổ ngân sách cho giáo dục: Đổi mới cơ chế để đảm bảo tính công bằng

(BKTO) - Thực tế cho thấy, mặc dù tỷ lệ chi cho giáo dục và đào tạo trên GDP cao nhưng quy mô GDP của Việt Nam còn thấp nên nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục vẫn chưa được đảm bảo. Đó là chưa kể đến việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực này vẫn còn dàn trải, thiếu cơ sở khoa học, chỉ tập trung vào một số đơn vị, dự án mà không chú ý đến nhu cầu thực tế của xã hội và nền kinh tế.



Phân bổ ngân sách thiếu cơ sở khoa học và công bằng

Phát biểu tại Hội thảo “Hiệu lực, hiệu quả chi NSNN cho giáo dục: Kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở Việt Nam” do Học viện Tài chính tổ chức vừa qua, TS. Trịnh Tiến Dũng - nguyên trợ lý Tổng Giám đốc quốc gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - cho biết, các chính sách hỗ trợ giáo dục của Việt Nam luôn hướng tới việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Điều này thể hiện khá rõ thông qua việc NSNN đã ưu tiên chi hỗ trợ học sinh vùng cao và hải đảo cao hơn 2,3% so với vùng đồng bằng (giai đoạn 2017-2020). Cùng với đó, các địa phương cũng đã bố trí ngân sách trên 20% chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo, đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN.

Tuy nhiên, chi tiêu trung bình cho một học sinh ở cả 4 cấp học (từ mầm non đến trung học phổ thông) trên toàn quốc vẫn thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng. “Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục vẫn thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc. Cho đến nay, các chỉ tiêu phân bổ ngân sách cho giáo dục và đào tạo chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quản lý. Điều này chủ yếu là do chúng ta chưa xác định chính xác chi phí cho các cấp học, loại hình đào tạo tương ứng và phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội cụ thể của các khu vực, cũng như với ngân sách sẵn có” - TS. Trịnh Tiến Dũng đánh giá.

Đồng quan điểm trên, PGS,TS. Vũ Cương (Đại học Kinh tế Quốc dân) - cho biết, cơ chế phân bổ vốn đầu tư cho giáo dục hiện nay đang không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và tính hệ thống trong chọn lọc dự án; không có sự gắn kết giữa số sinh viên nhập học và chi đầu tư từ NSNN. Việc tăng cường tính hiệu lực của đầu tư chưa được dùng làm tiêu chí thẩm định và lựa chọn dự án. Phân bổ vốn đầu tư vẫn được thực hiện theo thông lệ truyền thống, không rõ ràng giữa hai khái niệm “tự chủ đại học” với “không nhận NSNN cấp”.

Theo TS. Nguyễn Hoa (Đại học Thương mại), việc phân bổ vốn từ NSNN đang được thực hiện trên cơ sở trung bình, không liên quan đến hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, nên không tạo ra động lực cạnh tranh để nâng cao chất lượng. Ngoài ra, phân bổ ngân sách chủ yếu dựa trên các chỉ tiêu và không liên kết với các đặc điểm của từng chương trình/ngành đào tạo, chi phí đơn vị và các đặc điểm khác khiến việc phân bổ thiếu công bằng, chỉ tập trung vào các đơn vị chi phí thấp mà không chú ý đến nhu cầu thực tế của xã hội và nền kinh tế. Một điểm nữa là việc duy trì mức học phí dưới mức chi phí giáo dục dẫn đến tình trạng Nhà nước hỗ trợ cho tất cả các học sinh đều giống nhau, không phân biệt hoàn cảnh giữa người có thu nhập thấp với người thuộc nhóm trung lưu và thu nhập cao. Chính sách chi phí thấp của chúng ta đang trợ cấp cho cả người giàu.

Hoàn thiện khung pháp lýđể xác định cơ chế và chỉ tiêu phân bổ ngân sách

Để giải quyết các bất cập trên, theo TS. Trịnh Tiến Dũng, trước tiên chúng ta cần cải thiện hệ thống thống kê tài chính giáo dục nhằm cung cấp đầy đủ thông tin và bằng chứng cho phép các cơ quan có thẩm quyền và xã hội giám sát việc huy động, sử dụng ngân sách cho giáo dục, đặc biệt là ở cấp địa phương. Đồng thời, về lâu dài, cơ sở phân bổ ngân sách cho giáo dục cần được đổi mới căn bản bằng cách phát triển và sử dụng chi phí đơn vị. Có thể phân chia thành giai đoạn: trước năm 2025, ưu tiên xác định chi phí đơn vị cho các cấp học cần thiết nhất như: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; những năm tiếp theo làm với các trường cao đẳng và đại học. Các giải pháp trên đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê.

Theo TS. Nguyễn Hoa, Chính phủ cần hoàn thành khung pháp lý xác định cơ chế, chỉ tiêu phân bổ, đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho tất cả các tổ chức giáo dục trong việc tiếp cận nguồn vốn công. Bên cạnh đó, tài trợ công nên được mở rộng cho các tổ chức ngoài công lập dựa trên những cân nhắc công khai và phi lợi nhuận.

Riêng việc phân bổ ngân sách cho các trường đại học, để đảm bảo một hệ thống tài chính hiệu quả, TS. Nguyễn Hoa khuyến nghị: Trước hết, cần chuyển mô hình phân bổ NSNN dựa trên đầu vào thành các chỉ số đầu ra nhằm phản ánh hiệu suất của trường đại học. Theo đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và xây dựng một bộ tiêu chí hoàn chỉnh để đảm bảo cơ sở khoa học cho việc phân bổ NSNN. Thứ hai, Nhà nước cần tài trợ gián tiếp cho các trường đại học bằng cách cấp học bổng và tài trợ trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu và những người cần sử dụng kết quả nghiên cứu. Sau đó, để có kinh phí hoạt động, các trường đại học phải thu hút các đối tượng này thông qua việc cải thiện chất lượng đào tạo và dịch vụ nghiên cứu. Cách tiếp cận này thúc đẩy trách nhiệm xã hội của trường đại học và phù hợp với cơ chế thị trường. Đặc biệt, nó không chỉ mở rộng sự lựa chọn tích cực cho đối tượng mục tiêu mà còn làm giảm sự phụ thuộc của trường đại học vào cơ quan phân bổ.

Còn theo PGS,TS. Vũ Cương, để đổi mới cơ chế phân bổ NSNN cho giáo dục, tốt nhất nên có một tổ chức tập trung chịu trách nhiệm phân bổ cả vốn thường xuyên và đầu tư để tăng tính hiệu quả, hiệu lực của NSNN. Đồng thời, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách đầu tư của Nhà nước cũng cần tiến hành song song với các giải pháp chính sách khác để huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách.

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019
Cùng chuyên mục
  • Cần cân đối nguồn thu nhập tăng thêm của giảng viên
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tình trạng giảng viên vượt giờ giảng, hoặc chưa đảm bảo dạy đủ giờ chuẩn đã tạo ra sự chênh lệch, bất hợp lý trong thu nhập của giảng viên, không đúng với quy định của pháp luật. Theo kiến nghị của KTNN, tình trạng này cần sớm được chấn chỉnh nhằm đảm bảo sự hợp lý cho nguồn thu nhập tăng thêm dành cho giảng viên, cũng như cân đối với các nhiệm vụ khác.
  • Sóc Trăng: 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Sóc Trăng cho biết, bắt đầu từ tháng 4/2019, Phòng Chế độ (BHXH tỉnh Sóc Trăng) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng) triển khai thực hiện chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản cá nhân cho người lao động.
  • BHXH TP. Thanh Hóa: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong những năm qua, BHXH thành phố Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh việc thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động quản lý, từ đó giúp cho việc tham gia, thụ hưởng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) và các chính sách an sinh xã hội của người dân trên địa bàn thuận lợi hơn.
  • Đồng Tháp: Hơn 1,3 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến hết tháng 5/2019, tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh là 1.328.543 người, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 93.537 người; BHXH tự nguyện 4.111 người; BHTN là 81.294 người; BHYT là 1.324.432 người, chiếm 78,35% dân số.
  • Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Phân bổ ngân sách cho giáo dục: Đổi mới cơ chế để đảm bảo tính công bằng