(BKTO) - Với hơn 15.000 tỷ đồng đầu tư cho chuyển đổi số, các nhà băng Việt đạt được những kết quả tích cực trong số hóa hoạt động của mình, nhất là trong lĩnh vực thanh toán.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán và 12,9 triệu thẻ đang hoạt động được phát hành bằng phương thức định danh điện tử e-KYC.

Những tiện lợi từ thanh toán số là không thể phủ nhận, các hình thức thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển và trở thành phương thức thanh toán quen thuộc của nhiều người dân, từ nông thôn tới thành thị.

Tuy nhiên, nhu cầu thanh toán online tăng cũng kéo theo tình trạng việc các đối tượng xấu mua bán tài khoản ngân hàng đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo thành một số lượng lớn các tài khoản “rác”, tài khoản không chính chủ.

Theo cơ quan công an, nhiều tài khoản sau khi được các đối tượng bán lại sẽ được sử dụng vào những mục đích không rõ ràng, vi phạm pháp luật như việc chuyển và rút tiền trong những vụ án lừa đảo; sử dụng SIM rác để đăng nhập Internet banking, liên kết mở các tài khoản ví điện tử khác để chiếm đoạt tiền, tổ chức đánh bạc trên mạng Internet…

tai-khoan-rac.jpg

Do đó, cuối năm 2023, NHNN đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Tại quyết định này, NHNN yêu cầu các TCTD triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet.

Cụ thể, khi khách hàng cá nhân chuyển tiền cùng ngân hàng, khác chủ tài khoản hoặc chuyển tiền giữa các ví điện tử; nạp, rút tiền từ ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên; hoặc tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải được xác thực bằng sinh trắc học… Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.

Các chuyên gia đánh giá, quy định này sẽ thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hoá quy trình định danh khách hàng. Thông qua đó, có thể góp phần dọn dẹp các tài khoản “rác” đang tồn tại.

Thực tế, thời gian qua, các nhà băng cũng đã tích cực áp dụng công nghệ mới trong xác thực khách hàng, đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345/QĐ-NHNN, các tổ chức ngân hàng - tài chính và trung gian thanh toán cũng đang thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được kiểm tra chéo với dữ liệu trong chip thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan công an cấp.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, 53 TCTD đã phối hợp với các doanh nghiệp do Bộ Công an cấp phép để nghiên cứu, phối hợp đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng bằng thẻ CCCD gắn chip. 43 TCTD đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để đáp ứng công tác làm sạch dữ liệu trong ngành Ngân hàng, trong tháng 1/2024, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an triển khai nhiệm vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến nghiệp vụ thông tin tín dụng.

Đại diện CIC cho biết, đến nay, CIC đã hoàn thành 05 đợt xác thực với hơn 48,5 triệu hồ sơ khách hàng theo phương thức offline. Đồng thời, CIC tiếp tục phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (NHNN), Bộ Công an triển khai các công việc liên quan phục vụ thiết lập kênh xác thực online.

Tại Agribank, ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, đã kết nối dữ liệu và đang triển khai áp dụng công nghệ xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chip tại quầy. Khi đến giao dịch, khách hàng chỉ cần mang CCCD gắn chip để thiết bị của ngân hàng đọc và xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Những lần giao dịch tiếp theo, khách hàng không phải mang bất cứ giấy tờ gì mà thiết bị của Agribank sẽ nhận diện qua khuôn mặt và vân tay.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng chia sẻ, ngân hàng đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, NHNN triển khai Đề án 06. Bên cạnh đó, BIDV đang tích cực tham gia Chương trình phục vụ công dân số (dự án sử dụng tài khoản định danh điện tử kèm tài khoản ngân hàng) và phối hợp với C06, Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan triển khai chương trình làm giàu cơ sở dữ liệu khách hàng, dữ liệu sinh trắc học phục vụ cho yêu cầu tất cả các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học theo Quyết định 2345 của NHNN.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng yêu cầu, TCTD, các ngân hàng tập trung làm sạch và số hóa những dữ liệu mà Ngành đang có, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tiếp đến, các ngân hàng đẩy mạnh tiếp tục dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cuối cùng, trong quá trình khách hàng thực hiện giao dịch, các ngân hàng phải ứng dụng dữ liệu đã có để xác thực tài khoản và mọi giao dịch của khách hàng là chính chủ hoặc chính người được ủy nhiệm. Không thể để tình trạng đối tượng xấu lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

Với sự quyết liệt làm sạch dữ liệu khách hàng từ các TCTD, giới chuyên gia đánh giá, tới đây những tài khoản “rác” sẽ sớm được loại bỏ./.

Cùng chuyên mục
Mạnh tay với tài khoản rác