
Gần 100 hộ thoát nghèo
Huyện Mèo Vạc là huyện biên giới vùng cao, địa hình chủ yếu là núi đá, giao thông đi lại khó khăn. Huyện gồm 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố, 17 dân tộc cùng chung sống, hơn 17.200 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm khoảng 60%. Phần lớn người dân sống bằng nghề nông nghiệp, nhưng diện tích canh tác hạn chế do 75% quỹ đất tự nhiên là núi đá. Bên cạnh đó, nơi đây thường xuyên xảy ra thiên tai, thiếu nước sinh hoạt, một bộ phận người dân còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là những rào cản lớn ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện.
Từ thực tế trên, huyện Mèo Vạc đẩy mạnh các chương trình, dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế để giúp người dân nâng cao thu nhập. Có thể nhắc đến là Chương trình Cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Tính đến nay, huyện Mèo Vạc đã triển khai cải tạo vườn tạp tới hơn 500 hộ nghèo và cận nghèo. Qua theo dõi, giá trị thu nhập của các hộ thực hiện Chương trình đã tăng từ 1 - 1,5 lần so với trước đây. Đáng mừng hơn là đã có gần 100 hộ thoát nghèo từ chương trình này.
Theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mèo Vạc được phân bổ kinh phí gần 46 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho 1.045 hộ có khó khăn về nhà ở. Đây là nguồn lực quan trọng và cần thiết trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn.
Sau hơn 1 năm triển khai Đề án, huyện Mèo Vạc đã xây dựng và hoàn thành được 553 căn nhà, đạt 53% kế hoạch tỉnh giao. Những ngôi nhà được xây mới đảm bảo bền chắc, phù hợp với bản sắc của từng dân tộc và các mẫu nhà được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quá trình thực hiện, ngành chuyên môn của huyện Mèo Vạc đã tích cực tham mưu, hướng dẫn các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ đảm bảo theo đúng quy định.
Thực hiện hướng dẫn của các cấp, các ngành, UBND huyện Mèo Vạc đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở, tiến hành xây dựng các danh mục để hướng dẫn UBND các xã, thị trấn về trình tự thực hiện việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ việc họp thôn lựa chọn các hộ được hỗ trợ đến khi hoàn thành bàn giao nhà, đưa vào sử dụng đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả; thường xuyên cử cán bộ bám nắm cơ sở, kịp thời hướng dẫn cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định.
Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn vùng cao Mèo Vạc chính là thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào còn khó khăn về nhà ở. Qua đó, kế thừa và phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách”; khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các hộ nghèo, cận nghèo.
Tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới vẫn ở mức cao
Theo số liệu rà soát của ngành chuyên môn, giai đoạn 2022 – 2024, toàn tỉnh Hà Giang có 34.574 hộ được công nhận thoát nghèo, bình quân giảm hơn 11.500 hộ nghèo mỗi năm. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh Hà Giang ghi nhận 5.232 hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới.

Trong đó, huyện Mèo Vạc ghi nhận số hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở mức cao, giai đoạn 2022 – 2024, toàn huyện có 3.549 hộ thoát nghèo nhưng cũng có đến 324 hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh, chiếm gần 10% số hộ đã thoát nghèo. Phần lớn các hộ được xếp vào diện hộ nghèo thường rơi vào nhóm người dễ bị tổn thương như người già neo đơn, hộ có bệnh nhân mãn tính, yếu thế, hộ mới tách khẩu.
Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố đan xen, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân là do sinh kế của nhiều hộ dân thiếu ổn định, dễ bị tổn thương trước các tác động khách quan. Phần lớn hộ nghèo sinh sống ở vùng cao, nơi điều kiện canh tác khắc nghiệt, chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung, tự cấp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Thu nhập phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, trong khi sản xuất lại thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật và không có nguồn thu thay thế. Chỉ cần một đợt thiên tai, mất mùa hay dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cả gia đình có thể mất trắng tư liệu sản xuất.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, một phần bắt nguồn từ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ nhà nước của một bộ phận người dân.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến công tác giảm nghèo của Mèo Vạc chưa đạt được tính bền vững là một số chính sách triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ.
Lý giải về con số trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường cho biết: Mèo Vạc là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn, với địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Những yếu tố này khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, giao thông… bị hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Ngoài ra, điều kiện sản xuất nông nghiệp nghèo nàn, đất canh tác ít khiến sinh kế của người dân thiếu ổn định. Trong 3 năm này, thời tiết bất thường, mưa đá, hạn hán cục bộ xảy ra nhiều lần đã gây thiệt hại lớn đến mùa màng, vật nuôi là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân.
Có thể thấy, công tác giảm nghèo là một trong những vấn đề được huyện Mèo Vạc đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để xóa nghèo một cách bền vững thì không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền mà quan trọng nhất chính là sự nỗ lực của chính người dân. Do đó, bên cạnh triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo cần được ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất; cân nhắc áp dụng phù hợp cho từng hoàn cảnh hộ nghèo, từng thời điểm./.
Tại Hội nghị thông báo kết quả kiểm toán diễn ra ngày 29/5/2024 tại Hà Giang, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ghi nhận và đánh giá cao sự tâm huyết của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với đoàn công tác trong quá trình kiểm toán được đánh giá tích cực.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, KTNN đề nghị các đơn vị và địa phương cần tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Đồng thời, cần chủ động gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan chủ quản, trong đó nêu rõ những khó khăn và đề xuất các giải pháp kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.