Minh bạch thông tin quy hoạch để dẹp tình trạng ăn theo, thổi giá bất động sản

(BKTO) - Thời gian qua, tình trạng đồn thổi, đẩy giá bất động sản (BĐS) tăng cao, tạo bong bóng ảo trên thị trường bất động sản đã gây tâm lý bất ổn cho người dân, gây nhiễu loạn hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước; đồng thời để lại nhiều hệ lụy xấu cho thị trường BĐS cũng như đối với các vấn đề an ninh, trật tự xã hội.



Hệ lụy khôn lường từ tình trạng thổi giá đất

Hàng loạt cơn sốt đất bất thường xảy ra, không chỉ đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà ngay tại các địa phương vốn không có thế mạnh về thị trường BĐS như Hưng Yên, Bắc Giang...giá đất cũng tăng cao chóng mặt. Từ một số hiện tượng mang tính cá biệt được đồn thổi, với những lời mời “có cánh” tham gia kinh doanh BĐS để kiếm trăm triệu mỗi tháng..., nhiều người dân đã bỏ sản xuất để lấn sang làm "cò" BĐS; thậm chí nhiều người còn dốc vốn thu gom BĐS là đất để bán lại hưởng chênh lệch. Hệ lụy là nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang, hoặc bị mua bán qua tay “cò”, đến nay không được đưa vào sản xuất.
                
   

Trong cơn sốt đất, từng có thời điểm nhà nhà chuyển sang làm "cò" BĐS,
   bỏ bê việc sản xuất

   

Hệ lụy của tình trạng tăng giá đất, trong khi khung giá đất theo quy định hiện hành quá thấp so với giao dịch trên thị trường, sẽ khiến thất thu NSNN. Bên cạnh đó, việc tăng giá đất bất thường có thể kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng có thể bị đẩy lên rất cao. Chưa kể, do các mức giá BĐS được đẩy tăng ảo, nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho người mua vào thời điểm này.

Lý giải hiện tượng tăng giá BĐS tại các địa phương thời gian qua, nhất là thời điểm từ cuối năm ngoài đến đầu năm nay, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, khi dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa - đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung - cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để bảo đảm an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh…

Bên cạnh đó, việc địa phương ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo khung giá đất mới (ban hành theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khung giá đất)tăng so với trước đây cũng là nguyên nhân làm tăng giá BĐS, đặc biệt là BĐS nhà ở. Tuy nhiên, lý do đáng lo ngại hơn cả, đó là tình trạng giới đầu cơ BĐS, lực lượng môi giới BĐS bất chính đã lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi, trái quy định của pháp luật...

Minh bạch thông tin quy hoạch để ngăn chặn thổi giá

Xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin để đẩy giá BĐS, đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhằm ngăn chặn tình trạng thổi giá đất vừa qua. Theo đó, để “trị” những cơn sốt đất, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Một trong những yếu tố “dung dưỡng” cho tình trạng thổi giá BĐS tồn tại và bùng phát vừa qua được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề cập và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp chấn chỉnh, đó là tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất; thiếu minh bạch thông tin về quy hoạch...
                
   

Minh bạch thông tin quy hoạch đất đai, dự án... là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng "cò" lợi dụng thông tin để thổi giá BĐS

   

Thực tế, qua các cuộc kiểm toán về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất đã nhiều lần được KTNN chỉ ra và yêu cầu chấn chỉnh. Tuy nhiên, do sự thiếu quyết liệt, thiếu giải pháp hữu hiệu của các địa phương, dẫn đến tình trạng này vẫn tồn tại.

Theo TS. Đỗ Xuân Trọng - giảng viên Bộ môn Luật Đất đai, cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật (Trường Đại học Luật Hà Nội), thực tế qua công tác tư vấn cho người dân, khi tiếp cận nhiều vụ việc liên quan đến các giao dịch BĐS, giải phóng mặt bằng... phần lớn người dân đều không thể tiếp cận được các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn, dù đây là yêu cầu bắt buộc đã được thể hiện trong Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan khác.

“Thực trạng này tồn tại ở ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cò” đất lợi dụng thông tin quy hoạch có được để thổi giá thời gian qua” – TS. Đỗ Xuân Trọng đánh giá.
         
KTNN vừa kết thúc cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất tại các dự án đầu tư đô thị giai đoạn 2017-2020”. Kết quả của cuộc kiểm toán được kỳ vọng sẽ đưa đến cái nhìn tổng thể về thực trạng, lỗ hổng pháp luật trong công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất tại các dự án đầu tư đô thị thời gian vừa qua; đồng thời qua kết quả kiểm toán, KTNN sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp để chấn chỉnh bất cập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch; quản lý sử dụng đất đai tại các dự án..

Trước tình trạng xuất hiện bong bóng BĐS gây nhiều hệ lụy trong xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương đã và đang thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn tình trạng thổi giá đất.

Cuối tháng 4 vừa qua,UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1153/UBND-ĐT về việc tăng cường công tác quản lý thị trường BĐS trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp trong việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án BĐS, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá BĐS để trục lợi bất hợp pháp.

Sở Xây dựng tổ chức triển khai kịp thời, nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường BĐS; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường, các sàn giao dịch BĐS và thực hiện các biện pháp xử lý, kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng BĐS trên địa bàn...

Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán BĐS... vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan.

Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Bắc Giang...cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo nhằm ổn định thị trường BĐS, tránh đầu cơ, gây sốt đất ảo. Trong đó, giải pháp quan trọng mà các địa phương thực hiện là công khai, minh bạch thông tin quy hoạch đến rộng rãi người dân. Đồng thời, người đứng đầu địa phương, các bộ phận chức năng phải chịu trách nhiệm khi các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch không được thực hiện, dẫn đến các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá BĐS.
         
Điều 48, Luật Đất đai năm 2013 về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định:
   1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai.
   2. Trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:
   a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
   b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
   c) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện và công bố công khai nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
   3. Thời điểm, thời hạn công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định sau đây:
   a) Việc công bố công khai được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
   b) Việc công khai được thực hiện trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Minh bạch thông tin quy hoạch để dẹp tình trạng ăn theo, thổi giá bất động sản