Minh bạch trong xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"

(BKTO) - Trước những yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) cần được sửa đổi, hoàn thiện phù hợp hơn với thực tiễn, cũng như đảm bảo quyền lợi của đối tượng có liên quan.

dsc_6697.jpg
Cần minh bạch, công bằng trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, bởi nghệ sỹ có quan niệm không nặng về danh hiệu nhưng sự đóng góp của họ cần được ghi nhận, đánh giá đúng. Ảnh: N.Lộc

Bất cập trong quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn xét chọn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTLD) cho biết, việc xét danh hiệu NSND, NSƯT hiện được thực hiện theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 19/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP.  

Bộ VHTTDL đã tổ chức được 03 đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (đợt 1: năm 2016; đợt 2: năm 2019; đợt 3: năm 2022). Kết quả đã có 186 NSƯT được phong tặng danh hiệu NSND và 686 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Trong đợt xét chọn năm nay, Bộ đã trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, xét tặng danh hiệu NSND cho 136 NSƯT và xem xét, xét tặng danh hiệu NSƯT cho 347 cá nhân.

Tuy nhiên, gần đây, câu chuyện xét tặng danh hiệu cho các nghệ sỹ vướng phải nhiều lùm xùm liên quan đến tiêu chí, tiêu chuẩn và việc xét chọn chưa minh bạch. Mới đây nhất, trường hợp của NSƯT Đỗ Kỷ đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Nam diễn viên nhận được thông báo dừng xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10 với lý do hồ sơ xét duyệt danh hiệu NSND “có đơn thư”.

Vì những vướng mắc liên quan đến việc xét tặng danh hiệu, NSƯT Đỗ Kỷ đã gửi đơn xin "cứu xét" đến các cấp có thẩm quyền. Song, những văn bản phản hồi của cơ quan chức năng vẫn khiến nghệ sĩ không thỏa mãn vì "chưa cụ thể, minh bạch".

Những bất cập trong quy định của đã được Bộ VHTTDL chỉ ra. Qua thực tế quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thời gian qua cho thấy còn có những đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi của cá nhân như: bổ sung đối tượng quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; bổ sung cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch xét theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt"; bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ. Mặt khác, về quy trình, thủ tục xét tặng điều chỉnh cho khoa học hơn, sửa đổi một số quy định còn lặp lại quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như nguyên tắc xét tặng, thời gian xét tặng và công bố danh hiệu NSND, NSƯT.

Từ những lý do nêu trên, đồng thời để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP là cần thiết.

Hiện Bộ VHTTDL đang dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; quy định chi tiết cách tính thành tích, thời gian và đối tượng đặc thù - đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) thông tin. 

Để không còn có những xì xào trong văn hóa, nghệ thuật

Nhiều năm nay, vấn đề xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT luôn nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và khán giả.

Tuy nhiên, tranh cãi về tiêu chí, thủ tục duyệt hồ sơ, hay những trường hợp trượt danh hiệu đáng tiếc mỗi đợt xét duyệt vẫn chưa có hồi kết.

Do đó, trong dự thảo Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; quy định chi tiết cách tính thành tích, thời gian và đối tượng đặc thù đang được lấy ý kiến, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới, với những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn.

Cụ thể, đối với danh hiệu NSND, ngoài những quy định về tiêu chuẩn trung thành với Tổ quốc, chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất đạo đức tốt; có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là 20 năm trở lên, còn phải tiếp tục đạt tiêu chuẩn: có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia, trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia, trong trường hợp không có 01 giải Vàng của cá nhân và một số trường hợp đặc biệt đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc (cá nhân là người cao tuổi có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; cá nhân tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước…).

Tương tự, đối với danh hiệu NSƯT, cá nhân phải có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia, trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia, trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia trong trường hợp không có 01 giải Vàng của cá nhân) và một số trường hợp đặc biệt đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc.

Liên quan đến những lùm xùm trong vấn đề xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua, trao đổi với Báo Kiểm toán, một NSƯT giấu tên cho biết, nhiều nghệ sỹ không tránh khỏi việc chạnh lòng khi biết hồ sơ của mình bị trượt xét duyệt. Tuy nhiên, nghệ sỹ thường quan niệm làm nghề vì đam mê, không phải vì "ham danh hiệu". Dù vậy, dưới góc độ quản lý nhà nước thì cần phải minh bạch, rõ ràng. Bởi nghệ sỹ có thể không đạt được danh hiệu, nhưng họ cần phải có câu trả lời thỏa đáng để biết vấn đề nằm ở đâu và yên tâm cống hiến. 

"Hi vọng rằng quy định mới, theo như cơ quan chức năng nói là minh bạch, cụ thể hơn sẽ giúp loại bỏ những lùm xùm như vừa qua" - nghệ sỹ cho biết. 

Cùng chuyên mục
Minh bạch trong xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"